Giá trị đình làng trong đời sống hiện đại

21/03/2023 11:23

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đình làng tồn tại, đồng hành và mang một giá trị văn hóa có ý nghĩa trong đời sống của người Việt Nam.


Nét đẹp cổ kính của đình Huề Trì

Đình được xem là một đại diện cho kiến trúc gắn liền với văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt.

Biểu tượng của làng

Trong quá trình tìm hiểu về những ngôi đình cổ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tôi được biết đến đình Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn). Ngôi đình thờ hai vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng là hai chị em song sinh Thiện Nhân và Thiện Khánh.

Ông Nguyễn Văn Chiến, thành viên Ban Quản lý di tích tự hào khi giới thiệu về biểu tượng của làng đã tồn tại suốt hàng trăm năm nay. Nằm gọn trong khu dân cư nhộn nhịp, nhà cao tầng mọc san sát, đình Huề Trì vẫn khoác trên mình dáng vẻ cổ kính, mang lại cảm giác bình an, thư thái khi đặt chân tới. Lịch sử đình Huề Trì được văn bia tại di tích ghi nhận qua các lần trùng tu từ thế kỷ 18 trở lại đây. Ở thời Lý, ngôi đình được làm bằng gỗ, lợp tranh, đến thời Lê Trung Hưng mới được xây dựng quy mô lớn như hiện nay.

Ngôi đình xây theo kiểu chữ Nhị, mỗi tòa 5 gian lớn, kiểu 4 mái. Phần chái của các tòa nối với nhau tạo thành tòa nhà liên hoàn, khép kín gần như vuông. Ngôi đình còn được ghi nhận là ngôi đình cổ lớn nhất trong tỉnh với diện tích khoảng 624 m2, có kiến trúc độc đáo nhưng điêu khắc đơn giản. Đình Huề Trì được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia sớm nhất trong tỉnh, từ ngày 13.3.1974.

Tuy trong kháng chiến chống Pháp, giặc bắn đại bác gây hư hại, một số cổ vật bị thất lạc nhưng di tích vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: đại tự, câu đối, long đình, đòn bát cống, 13 đạo sắc phong và 7 tấm bia đá nói về quá trình trùng tu đình. Đến năm 1982, ngôi đình được phục hồi về nguyên trạng. Năm 1997, đình một lần nữa được trùng tu khá vững chắc cho đến ngày nay.

Còn với ngôi đình Thạch Lỗi, ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) - không chỉ nổi tiếng về kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, chạm khắc tinh xảo mà nhiều chi tiết điêu khắc từ thời Chính Hòa vẫn còn được giữ đến ngày nay. Đình thờ Lý Quốc Bảo, người có công trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Lương và phu nhân Vũ Thị Hương có công động viên dân làng hăng hái sản xuất, đóng góp lương thực tiếp tế cho quân sĩ đánh giặc.


Đội tuồng xã Thạch Lỗi lấy đình làng làm nơi sinh hoạt, tập luyện

Vào những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình là nơi hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng, là lớp học cho con em địa phương và cất giữ lương thực an toàn cho Nhà nước. Ngôi đình còn gắn liền với nghệ thuật tuồng cổ độc đáo. Những người cao tuổi trong đội tuồng cùng lớp người kế cận vẫn chọn ngôi đình cổ làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ và ôn luyện thường xuyên. Họ coi ngôi đình cũng như nghệ thuật tuồng cổ là cầu nối giữa thế hệ xưa và hiện tại.

Tiếp nối và phát huy

Mùng 10 tháng giêng vừa qua, chính quyền và người dân khu La Tỉnh, thị trấn Tứ Kỳ vui mừng tổ chức Lễ hội đình La Tỉnh sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Việc ngôi đình được phục dựng và mở rộng thêm sân với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đã góp phần rất lớn cho việc tổ chức lễ hội năm nay.

Trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng thì đình La Tỉnh và thần tích của các Thành hoàng đã gắn bó với người dân thị trấn Tứ Kỳ từ bao đời nay. Không chỉ vậy, đây còn là di tích cách mạng, là nơi ghi nhiều dấu ấn, những sự kiện lịch sử quan trọng trong xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của huyện.

Không chỉ đình La Tỉnh, những năm gần đây, nhiều ngôi đình trước kia là phế tích hoặc đã hư hỏng nhưng đã được chính quyền và nhân dân đóng góp công sức, tiền của để tu bổ, phục dựng. Điều này đã đáp ứng được nguyện vọng sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng làng xã. Đây còn được xem là sự tiếp nối truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc, đồng thời ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân thông qua hình ảnh, lịch sử của các vị Thành hoàng được thờ tại đình.

Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, đình làng xưa có 4 chức năng chính, gồm: nơi làm việc của chính quyền cơ sở, nơi thờ Thành hoàng, nơi giải quyết các vấn đề của xã hội và là nơi sinh hoạt văn hóa của làng quê. Chính vì vậy, đình làng còn được coi như biểu tượng quyền lực của làng xã.

Đến nay, chức năng làm việc của chính quyền được thay thế bằng nhà văn hóa thôn, 3 chức năng còn lại gần như vẫn được giữ nguyên. Trong đó, chức năng sinh hoạt văn hóa mặc dù có sự góp mặt của nhà văn hóa nhưng việc tổ chức hội làng tại đình vẫn duy trì, góp phần tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư. Con cháu trong làng, nhiều người đi làm ăn xa, nhưng cứ đến ngày hội làng, ngày giỗ Thành hoàng làng, họ lại cố gắng thu xếp trở về, vừa để tham gia lễ hội, vừa là cơ hội để gặp gỡ họ hàng, bà con thân thích. Có thể nói, đình làng là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa như: lễ hội, nghi lễ, phong tục tập quán, kiến trúc điêu khắc, âm nhạc, trò chơi dân gian… và là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp nối và phát huy ý nghĩa, giá trị của đình làng nói riêng và các di tích lịch sử nói chung mang một ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

TRƯỜNG THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị đình làng trong đời sống hiện đại