Gìn giữ lễ hội chùa Trông

09/05/2021 06:29

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chùa Trông ở xã Hưng Long (Ninh Giang) đã hai mùa không thể tổ chức.


Lễ hội truyền thống chùa Trông thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dự

Nức tiếng một vùng

Ông Bùi Trác Nghiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống, đầu tháng 4, Ban Tổ chức lễ hội đã họp bàn phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể trong xã để tổ chức lễ hội tốt nhất. 

“Năm trước, lễ hội đã không được tổ chức do dịch Covid-19 nên năm nay bà con rất háo hức. Công tác chuẩn bị đều đã tươm tất. Vậy mà lại phải dừng trước ngày lễ chính. Chúng tôi rất tiếc nhưng để phòng chống dịch, địa phương sẽ chấp hành nghiêm”, ông Nghiên nói.

Lễ hội chùa Trông là một trong số ít lễ hội giữ được các tục kéo dài đến nửa tháng, từ ngày15.3-1.4 âm lịch hằng năm. Lễ hội không chỉ thu hút người dân địa phương mà cả ở các tỉnh lân cận.

Chùa Trông được xây dựng vào thời Lý, gắn với tên tuổi Thiền sư Nguyễn Minh Không, là một trong những cao tăng có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Ngài cũng là người có công kiến tạo nên An Nam tứ đại khí, là những báu vật bằng đồng nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý - Trần nên được nhân dân tôn là sư tổ nghề đúc đồng Việt Nam. 

Sau khi thiền sư viên tịch và hóa Thánh về trời năm 1141, vua Lý Anh Tông liền sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ ngay tại chùa để thờ phụng và tôn vinh công lao. 

Lễ hội chùa Trông có hai tục là rước nước và rước kiệu đức Thánh có từ khi khởi dựng chùa ở thế kỷ XI. Nhưng để lễ hội có quy mô lớn là từ cuối thế kỷ XIX, khi quan Thượng thư Thượng Đoàn là người chịu giỗ bên ngoại ở Hào Khê về xây dựng tam quan chùa. Lễ khánh thành tam quan, dân làng mở hội lớn, thu hút hàng vạn người dân Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... về dự. 

Năm 1944 như nhiều địa phương khác, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, chùa Trông phải hạ giải, lễ hội không được tổ chức. Đến năm 1985, lễ hội mới được khôi phục. Hằng năm, lễ hội được người dân xã Hưng Long tổ chức với nhiều nghi lễ. Trong đó, ba nghi lễ chính quan trọng gồm rước nước, rước xuất đông - nhập tây và lễ tế Thánh về trời.

Chùa Trông nằm cạnh sông Luộc, dòng sông không chỉ cung cấp phù sa cho ruộng đồng mà còn là đầu mối thông thương giữa các vùng. Tục rước nước để bao sái cho Đức Thánh và coi nước là linh thiêng, là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Vì nghĩa đó, tục rước nước luôn mở đầu cho lễ hội chùa Trông. 

Nghi lễ xuất đông - nhập tây được xem là nghi thức đặc trưng. Trước đây, chùa Trông thuộc hai làng Hán Lý và Hào Khê. Khi quan Thượng Đoàn xây dựng tam quan, cổng phía bắc ghi ba chữ “Bắc địa đầu”, biểu hiện cho làng Hán Lý ở phía bắc, cổng phía nam gọi là “Nam thiên động”, biểu hiện làng Hào Khê là động trời nam. Với ý nghĩa xây xong cổng chùa, dân làng muốn Đức Thánh và nhị vị Thành hoàng chứng cho việc dựng tam quan. Đến nay, tam quan chùa vẫn là công trình tạo điểm nhấn, thu hút du khách đến thăm. 


Cổng chùa Trông tạo ấn tượng cho du khách tới tham quan

Giữ cho muôn đời sau

Mỗi mùa lễ hội, lực lượng rước kiệu, rước lễ, đội tế… cũng lên đến hàng trăm người, chưa kể phải tuân thủ rất nhiều thủ tục khắt khe. Đơn cử lễ xuất đông - nhập tây, ngay từ sáng sớm 20.3 âm lịch, đoàn rước kiệu cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương đi theo đường "Nghênh thần" từ cổng phía đông qua thôn Hào Khê, đi qua đống Tam Viên (nơi ngài hóa Thánh về trời) rồi quay trở về thôn Hán Lý và rước vào cổng tây. 

Những người tham gia rước kiệu đều phải thực hiện những quy định khắt khe, nhất là phải chay tịnh trước khi diễn ra lễ rước. Những quy định này được nêu rõ trong hương ước xưa của làng, không thay đổi. Lực lượng tế Thánh phải là nam giới trên 50 tuổi, mẫu mực, không có tang…

Khắt khe là vậy nên mỗi mùa lễ hội, Ban Tổ chức phải họp bàn trước vài tháng để chuẩn bị chu đáo nhất. Với người dân, sau 1 năm lao động vất vả thì những ngày hội là dịp gặp gỡ, sum họp gia đình, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Làng nào cũng chuẩn bị sẵn lợn, gà, hoa quả, bánh gai... dâng lên lễ thánh. Ngoài các nghi thức truyền thống, lễ hội còn tạo ấn tượng bởi phần hội độc đáo, duy trì được các trò chơi dân gian như múa rối nước, kéo co, đi cầu kiều... để lễ hội thêm phong phú. 

Đại đức Thích Hạnh Viên, trụ trì chùa Trông cho biết việc bảo tồn, gìn giữ lễ hội truyền thống có nhiều thuận lợi bởi hội đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, cứ đến dịp người dân xa quê ở mọi miền Tổ quốc đều về dự lễ Thánh. Vì vậy, nhiều nơi lễ hội truyền thống bị mai một hoặc rút ngắn thời gian tổ chức thì hội chùa Trông vẫn giữ nếp, thậm chí quy mô ngày một lớn.

"Chuẩn bị cho lễ hội năm nay có khoảng 40 đoàn tế ở các địa phương đăng ký về dự, giao lưu văn hóa nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động đành phải tạm dừng là điều tiếc nuối", đại đức Thích Hạnh Viên nói. 

Với những nỗ lực bảo tồn và gìn giữ lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội chùa Trông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ lễ hội chùa Trông