Kỳ công sưu tầm 1 hiện vật quan trọng của nhà nông

22/08/2021 10:11

Hòm đựng thóc gạo là hiện vật mang giá trị và ý nghĩa quan trọng với nông dân, được Bảo tàng tỉnh dày công sưu tầm.


Hòm thóc của gia đình cụ Vương Văn Chính từng được sử dụng làm ban thờ tại gia

Trải qua thời gian, việc sử dụng nông cụ trong canh tác và sinh hoạt hằng ngày cũng biến đổi cho phù hợp với thực tế. Những dụng cụ thô sơ được coi là gốc rễ làm cơ sở cho những phát minh, sáng kiến và thành tựu sau này đã dần biến mất. Thế hệ trẻ không còn biết và hiểu về công năng, giá trị của chúng, đôi khi chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, bố mẹ hoặc qua tư liệu. Từ thực trạng đó, Bảo tàng tỉnh mong muốn thông qua sưu tầm hiện vật nông cụ và trưng bày làm cầu nối giúp công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên được nhận diện, hiểu và trân trọng giá trị những hiện vật từng làm ra của cải vật chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hòm đựng thóc gạo là hiện vật mang giá trị và ý nghĩa quan trọng với nông dân.

Hòm thóc gạo được coi là vật dụng ra đời sớm cùng với nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Sự phát triển của những hòm đựng thóc gạo qua từng giai đoạn lịch sử phản ánh một phần sự phát triển và đời sống của con người theo từng giai đoạn.


Cán bộ Bảo tàng tỉnh mất nhiều năm vận động, thuyết phục mới sưu tầm được hòm đựng thóc gỗ của gia đình cụ Vương Văn Chính

Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức sưu tầm hiện vật về chuyên đề “Nông cụ của nhà nông” để phục vụ trưng bày và chuẩn bị cho các hoạt động trải nghiệm xay thóc, giã gạo, đan lát tại đây. Tưởng như hòm đựng thóc gạo chỉ là một vật dụng thô sơ nhưng với nhiều gia đình nó còn lưu giữ, chứa đựng ký ức, kỷ niệm của một thời gian khó, nhất là với những người cao tuổi, nên việc thuyết phục để sưu tầm rất khó khăn. Hơn nữa, người xưa còn quan niệm cho đi hòm thóc là ai đó đã “lấy đi linh hồn, lấy đi sự no đủ” của gia đình họ. Hòm thóc gạo xưa phần lớn làm bằng gỗ xoan ngâm, một số ít gia đình đóng bằng gỗ dổi và gỗ lim, đặt ở giữa nhà nên thường được chạm khắc trang trí đôi chút. Tùy theo điều kiện của gia đình mà hòm thóc đóng to, nhỏ khác nhau. Hòm thóc còn là nơi đặt ban thờ thắp hương tổ tiên. 

Tại Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ được 1 hòm thóc gỗ. Trước đây, những người làm công tác sưu tầm ở bảo tàng nắm được thông tin nhà cụ Vương Văn Chính, sinh năm 1929, ở thôn An Dật, xã Thái Tân (Nam Sách) còn lưu giữ một hòm đựng thóc gỗ có từ lâu. Nhiều lần vận động, thuyết phục gia đình cụ Chính hiến tặng hòm thóc cho bảo tàng nhưng đều bị gia đình từ chối. Không nản lòng, những người làm công tác sưu tầm đã thuyết phục, vận động trong nhiều năm, mãi đến tháng 4 năm nay, tức là sau 5 năm gia đình cụ mới đồng ý bàn giao hiện vật về Bảo tàng tỉnh lưu giữ và bảo quản lâu dài.

Hòm đựng thóc hình chữ nhật, làm bằng gỗ lim, kích thước chiều dài 118,5 cm, rộng 62 cm, cao 89 cm, đựng được từ 3-5 thúng thóc, gạo. Nắp đậy chia 2 phần, phần bên trong hòm đóng cố định, phần bên ngoài là cánh đóng mở và phía trước thiết kế khuy móc để khóa, 4 chân hòm là 4 thanh gỗ chắc, chạm khắc hình lá cách điệu. Hòm thóc được gia đình dùng kỹ thuật ghép mộng thắt, bào nhẵn, để trơn. Kỹ thuật ghép mộng thắt tạo kết cấu chặt chẽ, có tác dụng chống giãn nở khi gặp thời tiết thay đổi. Theo lời cụ bà kể lại: “Hòm thóc này có trước năm 1950, khi tôi về làm dâu đã có do các cụ thân sinh của chồng tôi đóng”.

Hòm đựng thóc tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng với gia đình nhà nông nó không chỉ thể hiện cho sự no đủ mà còn gắn liền với ký ức một thời. Theo đó, hòm thóc được coi là linh hồn của nhà nông.

HOÀNG HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ công sưu tầm 1 hiện vật quan trọng của nhà nông