Người dân Thanh Hà dựng cây nêu đón Tết

04/02/2019 17:09

Gần Tết Kỷ Hợi 2019, về quê vải Thanh Hà, chúng tôi thấy nhiều nơi dựng cây nêu đón Tết. Đây là nét văn hóa đặc trưng mà nay còn rất ít vùng quê giữ được.


Ngọn cây nêu được trang trí nhiều vật dụng nhằm xua đuổi tà ma, cầu cho mưa thuận gió hòa

Mang lại may mắn

Dựng cây nêu đón Tết vốn là truyền thống có từ lâu đời của cha ông ta. Tuy nhiên, theo năm tháng, cổ tục này dần mai một. Đến nay, chỉ còn một số địa phương gìn giữ được. Ông Nguyễn Xuân Kéo ở thôn Kiên Nhuệ, xã Vĩnh Lập năm nay đã ngoài 60 tuổi cho biết phong tục dựng cây nêu vào dịp Tết có từ khi ông còn rất nhỏ. Năm nào, bố mẹ ông cũng trồng một cây nêu trước cổng nhà.

Cây nêu được dựng vào sáng ngày 23 tháng chạp. Người xưa quan niệm rằng đến trưa ngày 23, táo quân về trời. Từ ngày này đến đêm giao thừa vắng mặt táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này vào nhà quấy nhiễu. Cây nêu có tác dụng xua đuổi tà ma, giữ cho gia đình êm ấm, hòa thuận, bình an, mang lại may mắn cho gia chủ.

Nhiều năm nay ở thôn Đông Phan, xã Tân An cũng khôi phục lại cổ tục đẹp này. Cứ đến sáng ngày 23, người dân ở các xóm trong thôn lại tập trung để cùng làm cây nêu. Các cụ cao niên ở thôn kể lại tục dựng cây nêu đã có truyền thống từ xa xưa nhưng qua thời gian không ai còn nhớ đến.

Cách đây khoảng 6 năm, sư thầy Thích Quảng Nghiêm về trụ trì chùa Cả trong thôn mới có ý tưởng phục dựng lại phong tục này và cây nêu chính thức được duy trì ở thôn khoảng 4 năm nay.

Năm đầu tiên khôi phục làm cây nêu, sư thầy và các phật tử dựng ở xung quanh làng để cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, ấm lo, hạnh phúc. Những năm sau đó, mỗi xóm tập trung làm một cây nêu dựng ở cổng làng. “Cứ mỗi năm một lần làm cây nêu, chúng tôi có dịp tập trung đoàn kết hơn, nâng cao tinh thần, khí thế đón mùa xuân mới. Điều đặc biệt là làm cây nêu để mang lại may mắn cho gia đình, họ hàng, những người thân trong làng. Vì vậy ai cũng phấn khởi, hào hứng”, cụ Nguyễn Xuân Chánh ở xóm 3, thôn Đông Phan nói.

Cầu kỳ


Các cụ cao niên đang chỉnh lại câu đối trên cây nêu trong ngày giáp Tết

Làm cây nêu không tốn kém, cũng không khó nhưng lại rất cầu kỳ và đòi hỏi nhiều công sức. Cây nêu được làm từ cây tre cao khoảng 7m có thân thẳng. Cây tre phải có ngọn hơi rủ, để nguyên cành lá. Trên cây nêu treo một câu đối, có thể là mừng xuân mới hoặc cầu cho đất nước bình an, nhân dân hạnh phúc...

Ngọn trên cùng của cây nêu treo một chiếc giỏ tre do người dân trong thôn tự đan. Trong đó đựng 3 miếng trầu cau, gạo, muối, tiền vàng âm phủ. Ngoài ra còn treo một số vật như đèn lồng cỡ nhỏ, chuông gió để trừ tà ma.

Để hoàn thiện một cây nêu như thế, các cụ trong làng phải mất nhiều thời gian chuẩn bị. Nay, người dân không trồng nhiều tre nên phải đi đến nhiều địa phương khác để mua, chọn cây tre đẹp về làm cây nêu. Trong quá trình làm, mỗi người một công đoạn, người thì mua đồ trang trí, người viết câu đối, người thì đan giỏ... phải mất hàng tuần mới chuẩn bị xong. Làm cây nêu chủ yếu do các cụ cao niên là chính. Họ đều là những người cao tuổi nên việc mang vác, dựng một cây nêu cũng khó. Khi dựng lên cây nêu phải bảo đảm chắc chắn  trong suốt dịp Tết.

Trước khi dựng cây nêu, xóm phải làm một mâm lễ để thắp hương dâng lên thần linh. Đến khoảng mùng 6, mùng 7 tháng giêng lại làm một lễ hạ cây nêu xuống. Sư thầy Thích Quảng Nghiêm cho biết hy vọng đây sẽ là nét đẹp được duy trì mãi mãi trong dịp Tết vì đó là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Nhà chùa mong muốn có thêm nhiều thôn, nhiều xóm cùng làm cây nêu ngày Tết, tạo nên một phong trào sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân Thanh Hà dựng cây nêu đón Tết