[Audio] Vì sao nhiều di tích "kêu cứu"?

25/03/2023 15:23

Số lượng di tích xuống cấp lớn trong khi việc tu bổ, tôn tạo phải tiến hành thận trọng và phụ thuộc rất nhiều yếu tố là nguyên nhân khiến nhiều di tích trên địa bàn tỉnh liên tiếp "kêu cứu" trong thời gian qua.

00:00


Chùa Giám (Cẩm Giàng) sẽ được tu bổ, chấm dứt tình trạng xuống cấp trong thời gian qua    

Qua thời gian, các di tích của Hải Dương dần xuống cấp, trong khi việc tu bổ, tôn tạo cần chặt chẽ, thận trọng. Đây là lý do nhiều di tích liên tiếp "kêu cứu".

Số lượng nhiều, kinh phí ít

Hải Dương có 3.199 di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 255 di tích cấp tỉnh... Số lượng di tích rất lớn, nhiều di tích xếp hạng các cấp được làm bằng chất liệu gỗ, có tuổi thọ vài trăm năm. Trải qua thời gian, mưa nắng, tác động của con người, nên nhiều di tích đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng, là áp lực lớn trong công tác tu bổ, tôn tạo. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2022 - 2025, có 71 di tích đã xếp hạng cần kinh phí tu sửa cấp thiết.

Tuy nhiên để tu bổ, tôn tạo di tích, nhất là di tích cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt không phải cứ có tiền là làm được, chưa kể nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Tu bổ di tích là hoạt động chuyên ngành, với những nguyên tắc đặc thù cần thực hiện và tuân thủ chặt chẽ. Để tu bổ di tích phải đáp ứng được các yêu cầu: giữ lại tối đa yếu tố gốc của di tích, khôi phục những yếu tố đã bị mai một, bảo tồn kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Ngoài ra, phải làm cho di tích bền vững về kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của thời gian, khí hậu nhưng lại phải giữ được hồn cốt của di tích. Các hoạt động tu bổ, tôn tạo phải thực hiện trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Trường Sơn dẫn chứng, di tích của Hải Dương đa phần là kiến trúc gỗ. Khi một chiếc cột bị mục thì không thể chỉ thay chiếc cột mà có thể phải hạ giải cả mái, tháo dỡ cả hạng mục khác như dui, mè, ngói... Đồng thời có nhiều di tích không phải thợ nào cũng có thể tu bổ, tôn tạo được. Người thợ cũng phải có trình độ nhất định, phải hiểu về phong cách mỹ thuật truyền thống thì mới bảo tồn được yếu tố gốc. "Có thể nói, để tu bổ, tôn tạo di tích là một quá trình rất chặt chẽ, khó khăn, phải tiến hành thận trọng và phụ thuộc rất nhiều yếu tố", anh Sơn cho biết.

Làm gì để hết "kêu cứu"?

Mặc dù số lượng di tích bị xuống cấp lớn song việc tu bổ vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng ưu tiên tu bổ các di tích cụ thể chứ không dàn trải. 

Từ năm 2017 - 2022, đã có 208 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó có 130 lượt di tích được tu bổ bằng ngân sách, với tổng kinh phí 141,3 tỷ đồng. Trong năm 2022, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhiều di tích được tu bổ với kinh phí gần 100 tỷ đồng như: tu bổ chùa Giám (Cẩm Giàng) với kinh phí 31,2 tỷ đồng, tu bổ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ninh Giang) 14,9 tỷ đồng; tu bổ chùa Trăm Gian (Nam Sách) 29 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo, xây mới đền thờ Mạc Thị Bưởi thuộc di tích đền Long Động (Nam Sách) 23,8 tỷ đồng...

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, nguồn lực của nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ. Từ năm 2017 đến hết năm 2022, có 148 trong tổng số 208 lượt di tích được tu bổ bằng vốn xã hội hóa hoàn toàn hoặc kết hợp với ngân sách nhà nước, với tổng kinh phí hơn 320 tỷ đồng. Trong đó có 86 lượt di tích được tu bổ hoàn toàn bằng xã hội hóa, với hơn 283 tỷ đồng, như đình, đền Lạc Dục (Tứ Kỳ) 26 tỷ đồng; đình, chùa Cao Xá 9 tỷ đồng; chùa Quý Dương (cùng huyện Cẩm Giàng) hơn 13 tỷ đồng; đình Châu Khê (Bình Giang) 31,8 tỷ đồng...

Bảo quản, tôn tạo, tu bổ di tích không nên chỉ trông chờ vào ngân sách và không nên coi đó là nhiệm vụ riêng của ngành văn hóa. Cấp huyện cần chủ động tìm kiếm nhiều nguồn lực hợp pháp để thực hiện công việc này. Khi tất cả chung tay thì lượt di tích được tu bổ sẽ tăng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích không thể tiến hành đồng thời, do đó khi tập trung tu bổ di tích này thì di tích khác sẽ phải chờ.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi Tỉnh ủy và UBND có chương trình, kế hoạch phân cấp cho chính quyền cơ sở trong việc chủ động huy động các nguồn lực để tu bổ tôn tạo di tích, trong năm 2021-2022, các địa phương đã tăng cường bố trí nguồn vốn đầu tư công cho tu bổ các di tích xếp hạng quốc gia, di tích kiến trúc nghệ thuật đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc xã hội hóa, đề cao vai trò của nhân dân - là các chủ thể di sản văn hóa trong việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích là việc làm hết sức cần thiết. Các di tích được giữ gìn chu đáo và phát huy tốt giá trị chỉ khi có sự tham gia, gắn bó mật thiết của cộng đồng sở tại.

Khi Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước cùng chung tay thực hiện mới không còn tình trạng di tích "kêu cứu"!

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Vì sao nhiều di tích "kêu cứu"?