Bảo tồn ngôi nhà cổ của cụ Nghè Tân

19/08/2020 17:46

Ngay giữa lòng TP Hải Dương hiện còn ngôi nhà của cụ Nghè Tân. Đây là căn nhà duy nhất của quan lại thời phong kiến còn sót lại và đang được các thế hệ làm bảo tàng Hải Dương gìn giữ.


Chính diện ngôi nhà cổ của cụ Nghè Tân

Ngôi nhà độc nhất

Về sự xuất hiện của ngôi nhà này, qua một số khảo cứu và hội thảo, nhiều đánh giá của các nhà sử học đều nghiêng về giả thuyết: do tài đức của mình nên cụ được vua ban tiền làm nhà. Vì chán cảnh quan trường, cụ đã bán nhà cho một viên quan ở huyện Gia Lộc để lấy tiền công đức, phục dựng miếu làng Thượng Cốc, rồi bỏ đi ngao du.

Ngôi nhà 5 gian được làm bằng gỗ đinh, gỗ lim đã được phục dựng và trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh gần 30 năm qua thể hiện tâm huyết của các thế hệ cán bộ bảo tàng. Đây là một di sản quý không phải nơi nào cũng gìn giữ được. Đặc biệt hơn đó còn là ngôi nhà của quan lại phong kiến duy nhất còn giữ lại được ở Hải Dương.

Để phát hiện, gìn giữ và mang về phục dựng ngôi nhà ở Bảo tàng tỉnh là một cố gắng rất lớn của những cán bộ bảo tàng. Khi phát hiện ngôi nhà của cụ Nghè Tân, ông Tăng Bá Hoành đang là Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Cách đây gần 30 năm, khi có kế hoạch phục dựng các gian nhà của tầng lớp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu, ông cùng đồng nghiệp đã chắp nối nhiều thông tin và đã phát hiện ra ngôi nhà cổ ở thôn Phúc Mại, xã Gia Tân (Gia Lộc). Qua một số thông tin chắp vá của chủ nhà và các cứ liệu lịch sử, các cán bộ bảo tàng khẳng định ngôi nhà gắn liền với chủ nhân đầu tiên của nó, đó là cụ Nghè Tân.


Sân vườn được thiết kế đúng với quy cách của một ngôi nhà cổ

Gìn giữ một di sản quý

Năm 1994, sau khi chủ nhà đồng ý giá 40 triệu đồng, tương đương với 8 cây vàng, ngôi nhà cổ của cụ Nghè Tân được Bảo tàng tỉnh mang về phục dựng. Để tôn trọng nguyên bản, các thợ lành nghề ở làng mộc Cúc Bồ, Kiến Quốc (Ninh Giang), Tứ Minh (TP Hải Dương) được huy động đến phục dựng trong nửa năm.

Vài năm trước, khi có thông tin về sự tồn tại của ngôi nhà này, nhiều nhà báo ở các nơi đã tìm đến. Khi đó, ai cũng xót xa bởi ngôi nhà đã bị hư hại nhiều do thời gian và một số vật tư nguyên bản không còn sử dụng được nên đã bị thay thế. Nhiều đoạn rui, mè và một số kết cấu bằng gỗ đã bị mối mọt. Nền nhà trồi sụt, ẩm mốc. Mỗi khi trời mưa, không chỉ sân vườn bị ngập mà nước nước còn ngấm thẳng vào các kết cấu bằng gỗ khiến ngôi nhà xuống cấp càng nhanh.


Vật dụng trong ngôi nhà được bày biện tôn trọng nguyên mẫu, trong đó cột, các chân tảng vuông bằng đá xanh Thanh Hóa

Sau khi một số tờ báo phản ánh về thực trạng và sự bức thiết phải bảo tồn ngôi nhà cổ, các cơ quan liên quan đã vào cuộc. Đến nay, ngôi nhà cổ đã được tu sửa nhiều hạng mục, nhưng vẫn giữ nguyên mẫu kết cấu khung xà đinh, kẻ chuyền, chạm khắc hoa văn lật lá, rộng gần 90 m2 gồm 5 gian bít đốc, bổ trụ. Cột được kê trên các chân đá tảng vuông. Ba gian giữa liền nhau, mặt trước lắp cửa bức bàn, chân quay kết hợp hệ thống ngưỡng chồng. Hai gian đầu hồi ngăn vách đố lụa tạo thành 2 buồng riêng biệt, mặt trước và sau có các cửa sổ nan trượt... Để có kết quả này, thời gian qua với sự quan tâm của cấp trên, ngôi nhà đã xử lý triệt để tình trạng mối mọt xâm hại. Cốt nền được tôn phẳng, bảo đảm kết cấu khung nhà vững chãi. Hệ thống thoát nước được tu bổ nên tình trạng đọng nước ở sân vườn đã được giải quyết. Mái ngói được tu sửa nên không còn bị xô dột. Các cửa sổ nan trượt trước đây kẹt gẫy không thể đóng mở nay đã được sửa chữa... Riêng rui, mè, gạch, ngói... đã bị thay thế vì hư hại.

Theo ông Vũ Đình Tiến, ngôi nhà cổ được tu sửa đáp ứng lòng mong mỏi của các cán bộ bảo tàng. Để phát huy giá trị của di sản quý này, đơn vị đã đề nghị tổ chức các buổi hát ca trù tại gian chính ngôi nhà cổ để vừa giới thiệu đến nhân dân một di sản quý vừa quảng bá làn điệu ca trù - một thể loại nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thế nhưng, vì nhiều lý do, việc này vẫn chưa được thực hiện. "Những người làm bảo tàng hy vọng di sản này cần được nhiều người biết đến hơn nữa, nhất là thế hệ trẻ. Ngôi nhà sẽ giúp mọi người hình dung được về cuộc sống xa xưa để thêm hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống của cha ông để lại", ông Tiến trăn trở.

TIẾN HUY

Cụ Nghè Tân tên thật là Nguyễn Quý Tân (1814 - 1858), tự là Đỉnh Trai, hiệu là Túy Tiên, biệt hiệu là Tản Tiên Đình cư sĩ. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Thượng Cốc, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, nay thuộc xã Gia Khánh (Gia Lộc). Năm 29 tuổi, ông đỗ thi Hương, đến năm Thiệu Trị thứ hai (1842) đậu Tam giáp Tiến sĩ, dân gian thường gọi là Nghè Tân.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn ngôi nhà cổ của cụ Nghè Tân