Chuyện ít biết về tấm bia bị đục chữ ở Văn miếu Mao Điền

17/10/2021 06:09

Nhiều du khách đến Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) tỏ ra ngạc nhiên trước tấm bia có một số chữ bị đục bỏ. Ít ai biết rằng ẩn chứa đằng sau đó là một câu chuyện của lịch sử.


Hai chữ cuối cùng của dòng chữ trên trán bia "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" bị đục bỏ, được phỏng đoán là niên hiệu của vua Quang Toản

Đục bỏ niên hiệu của vua Quang Toản?

Tấm bia nói trên có tựa đề "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" (nhằm ngày tốt, tháng 8 năm Tân Dậu lập ra văn bia này) bằng chất liệu đá xanh mịn, tạc liền khối đặt trên bệ vuông. Bia hình chữ nhật, dài 190 cm, rộng 108 cm và dày 23 cm, trọng lượng khoảng 1,32 tấn. Được lưu giữ khá tốt trong nhà bia nên nội dung của tấm bia này còn khá rõ ràng.

Theo dòng niên đại ghi trên bia và nội dung văn bia, "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" được tạo dựng dưới thời vua Nguyễn Quang Toản, niên hiệu Bảo Hưng nguyên niên, năm Tân Dậu 1801. Điều này hoàn toàn phù hợp với một trong những nội dung bia là ca ngợi nhà Tây Sơn có công đầu trong việc thống nhất đất nước, khuyến khích sự học.

Dưới thời hoàng đế Quang Trung, đất nước bước vào xây dựng, thực hiện nhiều cải cách tiến bộ. Công việc còn dang dở thì hoàng đế đột ngột từ trần. Người kế nghiệp là Nguyễn Quang Toản chưa đủ điều kiện để thực hiện sự nghiệp mà vua cha để lại thì lại bị mất ngôi về tay nhà Nguyễn.

Chữ trong bia khắc kiểu chữ "Chân", rõ ràng, sắc nét. Ở trán bia bị đục 2 chữ đầu tiên trước chữ Tân Dậu, hàng thứ ba ở bài ký có 7 chữ bị đục. Hiện nay, 7 chữ bị đục ở bài ký chưa đoán ra nghĩa, còn 2 chữ bị đục ở trán bia có nhiều ý kiến, nhưng phỏng đoán 2 chữ đó là "Bảo Hưng" được nhiều người đồng tình. Bảo Hưng là niên hiệu của vua Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn. Vì sao niên hiệu của nhà vua bị đục bỏ lại cũng có nhiều ý kiến, nhưng giả thuyết được đồng tình cao đó là ở thời Nguyễn, nhân dân đã xóa dấu vết thời Tây Sơn do lo sợ nhà Nguyễn triệt tiêu. Nguyên nhân do nhà Nguyễn trả thù vua Quang Trung phá lăng mộ. Một tấm bia bị đục bỏ niên hiệu sẽ khó đoán biết được tạo dựng từ thời nào, vì thế niên hiệu của nhà vua đã bị đục đi.

Theo Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" là 1 trong 5 cổ vật còn sót lại ở Văn miếu Mao Điền, gồm 3 tấm bia niên đại 1801, 1810, 1823, 1 khánh đá và 1 bát hương đá. Thời trước, tấm bia được các cụ đem dựng trước cây gạo cổ thụ, sau này đưa vào để tạm ở nhà bia tiến sĩ. Năm 2015, UBND huyện Cẩm Giàng tiến hành xây dựng 2 nhà bia trước hồ Thiên Quang tỉnh và đưa "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" đặt vào.

Đây là tấm bia quý, được chạm khắc tinh tế, hài hòa. Ở 2 mép trên và trán bia được viền bằng 2 đường chỉ nổi. Đề tài trang trí trán bia là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Mặt trời tròn, được chạm nổi, xung quanh có các đao lửa tỏa sáng. Đối xứng hai bên có đôi rồng chầu, đầu ngẩng cao. Diềm bia hình chữ nhật đứng, được trang trí hoa văn cách điệu với chủ đề lá cuốn xen lẫn hoa cúc mãn khai nối tiếp kéo dài cho đến hết diềm bia.


Hai chữ cuối cùng của dòng chữ trên trán bia "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" bị đục bỏ, được phỏng đoán là niên hiệu của vua Quang Toản

"Giấy khai sinh" của Văn miếu Mao Điền

"Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" được coi là tấm "giấy khai sinh" của Văn miếu Mao Điền. Nội dung văn bia nói việc ra đời của Văn miếu và Trường thi hương, là nơi nuôi dưỡng, đào luyện nên nhiều bậc hiền tài cho đất nước thời kỳ phong kiến, nêu cao tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Lịch sử còn ghi lại, mùa xuân năm Canh Tuất 1790, hoàng thượng chỉ dụ cho các trấn ở Bắc thành mỗi nơi bổ dụng một đốc học, chăm lo quán xuyến việc học hành. Mùa đông năm Canh Thân 1800, quan Trấn thủ Đại đô đốc ân hầu là Hoàng Văn Đằng, quan Hiệp trấn hộ Đô hữu đồng nghị trinh tường hầu Nguyễn Đắc Trinh, quan Hữu tham Hiệp hình bộ tả thị lang tước thanh phái hầu là Lê Lương Thận chọn 1 khu đất công điền của xã Mao Điền, thuộc phía Bắc trấn thành rộng hơn 10 mẫu làm trường học và tế lễ của kẻ sĩ phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Hoàng thượng giao thần Nguyễn Đắc Trinh thuộc Hóa châu, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam soạn khắc ghi lại tấm bia cho hậu thế. "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" ra đời từ đó.

Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa, nối tiếp Văn miếu trấn Hải Dương được xây dựng vào thời Lê sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, Đường An (xã Vĩnh Tuy, nay là xã Vĩnh Hưng, Bình Giang). Cùng thời Lê sơ, Trường thi hương cũng được khởi dựng tại xã Mao Điền (nay là xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng). Các nguồn sử liệu hiện còn cho biết vào đầu triều Mạc, tại đây đã tổ chức được 4 kỳ thi hội. Đến thời Tây Sơn (1788-1802), Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền, hợp nhất với Trường thi hương, tạo thành trung tâm văn hóa, diễn ra nhiều hoạt động học tập, tế lễ.

Bài ký trên "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo" do thần Nguyễn Đắc Trinh soạn, còn ghi "Ngày tốt tháng tám, mùa thu năm Tân Dậu (1801) tạo bia". Sau khi được hoàng thượng chỉ dụ, bản trấn lấy một khu đất công điền tại xã Mao Điền. Đây vốn là mảnh đất mùa thu lá rụng, lại có bờ bao, rộng rãi, bằng phẳng, cao ráo và sạch sẽ, khí mạch tốt tươi. Ngày mùng 2 tháng 11 năm Canh Thân (1800) khởi công, đến ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (1801) thì hoàn thành.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và hệ thống cổ vật, trong đó có bia "Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo", ngày 21.1.1992, Văn miếu Mao Điền được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2018, Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia của huyện Cẩm Giàng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ít biết về tấm bia bị đục chữ ở Văn miếu Mao Điền