Đình, chùa Khuê Bích còn nhiều cổ vật quý

20/09/2022 09:25

Cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 30 km, đình, chùa Khuê Bích toạ lạc tại thôn Khuê Bích, xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) là quần thể di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Đình Khuê Bích được trùng tu, xây dựng vào đầu thế kỷ XX

Nơi đây hiện còn giữ được một số cổ vật từ thời Lê và thời Nguyễn.

Đình Khuê Bích hiện tại được xây dựng vào năm 1924, toạ lạc cùng ngôi chùa trên khu đất phía nam của thôn Khuê Bích. Theo các cụ trong làng kể lại, đình cổ vốn được xây dựng khá sớm, cách đây từ 300 - 400 năm, nằm trên khu đất rộng tại một gò đống cao được gọi là Đồng Mang. Đình có quy mô lớn, đủ nơi thờ tự và cổ vật quý. Tục xưa truyền rằng, địa điểm đặt đình ở xa dân cư không tiện cho việc tế lễ nên nhân dân địa phương đã chuyển đình về vị trí hiện nay, cách đình cũ khoảng 300 m.

Đình thờ 3 vị Thành hoàng làng là Nguyễn Thiện, Lê Quảng, Quế Anh phu nhân

Như bao đình làng khác, đây là nơi thờ người có công với nước, với dân. Đình thờ 2 vị tướng quân là Nguyễn Thiện và Lê Quảng (quê ở TP Chí Linh ngày nay) làm quan dưới thời nhà Trần. Là người học rộng, tài cao, với lòng yêu nước thương dân, trước cảnh đất nước bị ngoại xâm đe doạ, 2 ông đã tập hợp hơn 3 vạn binh sĩ gia nhập quân đội nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông, lập chiến công hiển hách góp phần giữ yên bờ cõi giang sơn. Sau chiến thắng tại trận Bạch Đằng, hai ông đem quân về hạ trại tại Hiệp Sơn (nay là thị xã Kinh Môn) khao quân mừng chiến thắng.

Ngoài ra, đình còn thờ Quế Anh phu nhân, vợ của tướng Lê Quảng. Bà là người văn võ toàn tài, có nhiều mưu kế giúp chồng đánh giặc ngoại xâm.

Đình Khuê Bích đã được các vị vua triều Nguyễn là Duy Tân, Thành Thái, Khải Định phong sắc thờ 3 vị Thành hoàng trên.

Ông Nguyễn Hữu Phấn, Trưởng Ban Quản lý di tích giới thiệu kiến trúc “long chầu mặt nguyệt” trên mái đình

Đình Khuê Bích có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Phần hậu cung được trang trí nội thất cân đối với các đồ thờ được sơn son thiếp vàng. Các cột và vì kèo được làm bằng gỗ lim với hoạ tiết chạm trổ theo kiểu hoa văn thời Nguyễn. Hai bên hậu cung là 2 tiến sĩ đá, trước sân đình đặt 2 đôi ngựa đá và voi đá do quan Thượng Quận đưa về cách đây khoảng 300 năm. Mái đình có kiến trúc truyền thống “long chầu mặt nguyệt".

Cách đình 50 m về phía Bắc là chùa Diên Thọ, hay còn gọi là chùa Khuê Bích. Chùa được trùng tu vào đầu thời Nguyễn. Chùa có kết cấu hình chữ Đinh với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, phía trước chùa có một hồ nước nhỏ. Chùa này từng có 4 pho tượng đá được chạm khắc hoa văn từ thời hậu Lê, có giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện tại chỉ còn 1 pho tượng Phật tổ. Ngoài ra, các cổ vật còn lại đều từ thời Nguyễn như 14 pho tượng bao gồm Tam thế Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Cửu Long… và các câu đối có nội dung ca ngợi Phật, phong cảnh nơi đây.

Được biết, trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đình, chùa Khuê Bích là nơi nương tựa để cán bộ, nhân dân địa phương hoạt động cách mạng. Đây là nơi thành lập đội quân du kích chống càn của xã, là trạm chuyển tiếp giao liên của Quân khu 3. 

Tượng tiến sĩ bằng đá được đặt ở hậu cung đình Khuê Bích

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình, chùa Khuê Bích được Tỉnh đội chọn làm địa điểm đào tạo, huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ vào Nam chiến đấu.

Ông Nguyễn Hữu Phấn, Trưởng Ban Quản lý di tích đình chùa Khuê Bích cho biết: “Di tích này từng có nhiều cổ vật, song do chiến tranh tàn phá, quản lý chưa được chặt chẽ nên mất mát nhiều. Hiện tại, Ban Quản lý di tích vẫn còn giữ 5 sắc phong thời Nguyễn”.

Đình, chùa Khuê Bích là một quần thể tôn nghiêm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào năm 1995. Cùng với những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh khác của thị xã Kinh Môn, đình chùa Khuê Bích hằng năm thu hút nhiều lượt khách đến vãn cảnh, chiêm bái. 

LINH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình, chùa Khuê Bích còn nhiều cổ vật quý