Đình Lâu Động xuống cấp

06/11/2021 09:45

Dù đã được tu sửa nhưng do kinh phí hạn chế, các hạng mục sửa chữa không đồng bộ nên đình Lâu Động ở xã Quang Thành (Kinh Môn) đang có dấu hiệu xuống cấp.


Một số cột đình đã bị mối mọt

Kiến trúc độc đáo

Đình Lâu Động được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2009. Đây là nơi thờ thành hoàng làng Phạm Ân, người có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Chiêm Thành vào thế kỷ thứ X.

Tương truyền vào thời Lê, ở trang Lâu Động, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn có tù trưởng họ Phạm, tên húy là Ngô, lấy vợ cùng bản trang tên là Nguyễn Thị Nguyên. Hai vợ chồng ngoài 30 tuổi mà chưa có con. Tuy nhiên, qua nhiều năm tu thân tích thiện, đến chùa cầu khấn, vợ tù trưởng sinh được cậu con trai khôi ngô, tuấn tú đặt tên là Ân. Năm 10 tuổi, cha mẹ cho Ân theo học Lý tiên sinh tại bản trang. Vốn thông minh, sáng dạ, 2 năm sau cậu bé Ân đã hiểu rộng, biết nhiều. 

Bấy giờ nước ta bị giặc Chiêm Thành xâm lấn, vua liền phong chức tước và sai Phạm Ân đi diệt giặc. Sau khi dẹp tan quân giặc, vua mở yến tiệc chúc mừng. Ông nhận phần thưởng vua ban rồi xin phép về quê. Đang lúc yên ấm, ông tự hóa. Nhân dân lấy làm lạ, liền tâu lên vua. Vua sai đình thần về hành lễ và ban cho nhân dân tiền lập miếu thờ phụng, ngàn năm hương hỏa.

Căn cứ vào hệ thống bia ký, sắc phong và các tài liệu liên quan cho thấy đình Lâu Động được nhân dân xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đình có kiến trúc chữ Đinh, gồm 5gian đại bái, 1 gian cổ dải và 2gian hậu cung. Theo đánh giá, đây là công trình có kiến trúc độc đáo, được chạm trổ khéo léo, tinh xảo. Tòa đại bái có kiến trúc kiểu chồng rường, bít đốc. Các vì kèo liên kết chặt chẽ ở hàng ngang và hàng dọc. Tại các vì kèo có nhiều bức chạm mang đề tài trúc hóa long, cúc hóa long, lá lật hóa long, tứ linh, tứ quý, lá lật... là những tác phẩm có giá trị. Hàng dọc là hệ thống tàu mái, lá mái, hoàng, xà, gộp mái thượng lương... liên kết chặt chẽ với các vì kèo, làm cho công trình không bị xô lệch trước tác động của thiên nhiên.

Tòa hậu cung gồm 1 gian cổ dải và 2 gian "cung cấm" nối liền với tòa đại bái bằng hai mái xối phía đông, phía tây. Kết cấu tòa hậu cung theo kiểu "con chồng, giá chiêng" truyền thống. Tại kèo thứ nhất có hệ thống "cửa cấm" gồm 4 cánh ở khoảng giữa, hai bên là 2 cánh cửa nách, phần trên câu đầu là một bức cốn "Lưỡng long chầu nguyệt" thay thế toàn bộ phần giá chiêng và các con chồng của vì kèo. Đây là sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian đầu thế kỷ 20. Trước đây, di tích có khá nhiều cổ vật có giá trị nhưng trải qua chiến tranh và do thiên nhiên tàn phá nên nhiều cổ vật, di vật đã mất, hư hỏng. 

Xuống cấp

Qua nhiều lần tu sửa nhưng do kinh phí hạn chế và tác động của nhiều yếu tố, một số hạng mục của đình Lâu Động hiện đã xuống cấp.

Do nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân, đường sá ở thôn Lâu Động được làm lại khiến đình nằm thấp hơn đường khoảng 40 cm. Xung quanh khu vực này, người dân cũng đã tôn cao nền nhà. Phía sau đình là chùa Lâu Động mới được xây lại, tôn cao. Vì thế, khi trời mưa, nước dồn về phía đình. Do ẩm thấp lâu ngày nên các bức tường, nhất là phía dưới chân vôi vữa đã bong tróc, nền nhà ẩm mốc. Hệ thống dây điện đi bên ngoài chằng chịt không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây mất an toàn. Thủ từ trông đình thường xuyên phải ngắt hệ thống điện để bảo đảm không bị cháy nổ.

Hệ thống cột bằng gỗ lim nhưng do lâu ngày nên một số cột cũng bị mối mọt. Để bảo đảm an toàn cho cả ngôi đình, một số chân cột đã được thay thế bằng cách đổ xi măng bên dưới, sau đó quét sơn cho phù hợp với màu gỗ. Kèo mái một số vị trí cũng bị mục, mối mọt. Do mái đình lợp lại không đúng kỹ thuật nên hiện đã bị xô, gây dột ở một số vị trí...

Theo ông Trần Văn Dóng, Trưởng Ban khánh tiết đình Lâu Động, do luôn ở tình trạng ẩm thấp, nhất là về mùa mưa nên nhiều chỗ bị mục, hỏng. Nếu để tình trạng này kéo dài thì công trình sẽ càng nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến kiến trúc, mỹ quan của đình.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Lương Văn Chiến, Bí thư, Trưởng thôn Lâu Động thì giải pháp hiện nay là nâng cao nền đình cho bằng hoặc cao hơn mặt đường nhằm hạn chế việc nước dồn về khu vực này. Sau đó tiếp tục cải tạo cột đình, thay cột mối mọt, bị hỏng chân. Làm lại hệ thống điện, đi ngầm vào bên trong tường để vừa bảo đảm an toàn, vừa có tính thẩm mỹ...

Để tu sửa công trình trên dự kiến cần từ 3-4 tỷ đồng. "Hiện ngân sách địa phương khó khăn, nguồn đóng góp từ người dân hạn chế do 2 năm nay xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên để tu sửa đồng bộ đình, góp phần giữ gìn di tích mang ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người dân địa phương", ông Chiến nói.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Lâu Động xuống cấp