Độc đáo đình cổ Trữ La

03/04/2023 09:08

Đình Trữ La là một di tích có kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Nguyễn còn lưu giữ được đến ngày nay ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng).


Đình Trữ La

Thờ tướng quân thời Lý

Căn cứ vào sắc phong, bia ký tại di tích và nhiều nguồn tài liệu khác có liên quan, đình Trữ La thờ Đông Hải đại vương, huý Đoàn Thượng. Ông người làng Hồng Thị, huyện Gia Phúc nay là làng Thung Độ, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc). Đoàn Thượng là con nuôi cùng nhũ mẫu với vua Lý Huệ Tông, có tài văn võ. Thấy nhà Lý suy yếu bị họ Trần ức hiếp, ngôi vua bị đe dọa, Đoàn Thượng bèn chiếm cứ Hồng Châu để “phù Lý diệt Trần”. Trong các thế lực cát cứ lúc ấy mạnh nhất có họ Trần ở Hải Ấn (Thái Bình), Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Tụ ở Quốc Oai (Hà Tây) và Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Đoàn Thượng lập đồn luỹ ở bãi Đồng Đạo (thuộc Bần Yên Phú và Bần Yên Nhân ngày nay), đánh nhau với quân nhà Trần. Nhà Trần đã dùng Nguyễn Nộn để diệt Đoàn Thượng, phong cho Nguyễn Nộn chức “Hoài Đạo vương”. Ma Lôi - một tỳ tướng giỏi và là linh hồn của nghĩa quân Nguyễn Nộn đã hiến kế diệt được Đoàn Thượng. Trong một trận đấu tại xứ Đồng Đạo, Đoàn Thượng tử thương. Sau cái chết của Đoàn Thượng, cuộc nổi dậy ở Hồng Châu bị dập tắt hoàn toàn.

Tương truyền, sau khi hóa, Đoàn Thượng đã hiển thánh, nên nhân dân nhiều nơi xây dựng đền, miếu thờ, trong đó có nhân dân làng Trữ La. Qua các triều đại, Thành hoàng Đoàn Thượng của bản xã đều được Nhà nước phong sắc và cho phép thờ tự lâu dài.


Đầu dư chạm hoa văn triện tàu lá dắt thành đầu rồng - một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của đình


Công trình văn hoá, nghệ thuật 

Qua nghiên cứu văn bia có thể xác định đình Trữ La xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, kiến trúc hiện còn thuộc lần trùng tu vào thời Nguyễn, năm Bính Thìn (1916).

Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi.

Theo quan niệm dân gian xưa, di tích được dựng trên thế đất đắc địa là doi đất hình rồng của làng Trữ La.

Đình Trữ La hiện còn khá nhiều cổ vật, trong đó phải kể đến 24 đạo sắc phong quý giá của các đời vua phong cho Thành hoàng làng; 1 ngai thờ; 3 bia đá; 3 đài trầu, 1 đỉnh đồng có niên đại vào thời hậu Lê và thời Nguyễn.

Hằng năm, nhân dân địa phương mở hội đình vào ngày 19-20 tháng giêng âm lịch. Trong ngày hội, dân làng thường tổ chức tế, rước kiệu long trọng và các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, bắt vịt, đánh gậy, đập niêu... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Trữ La là cơ sở kháng chiến đáng tin cậy của địa phương. Nhân dân Trữ La đã có nhiều công lao trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ kháng chiến. Với nhiều giá trị còn lưu giữ, đình Trữ La đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. 

NHẬT HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo đình cổ Trữ La