Khám phá chùa Sùng Ân

03/01/2022 09:15

Nằm khuất sâu ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang), chùa Sùng Ân (hay còn gọi là chùa Đông Cao) có hệ thống tượng Phật cổ kính và vô cùng độc đáo của Việt Nam.


Chùa Sùng Ân có từ thời Lý, bố cục kiểu nội công, ngoại quốc

Chùa Sùng Ân thuộc thiền phái Trúc Lâm, có tuổi đời trên 700 năm. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia về nghệ thuật kiến trúc điêu khắc năm 1974 và cũng là ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia sớm nhất của huyện Ninh Giang.

Nghiên cứu di tích trên các phương diện lịch sử, thư tịch và truyền thuyết ở địa phương thì chùa Sùng Ân được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý, lưu giữ nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo. Vào thời Lê, tương truyền khi nhà Mạc thất thế có 1 hoàng tử và 1 công chúa (không rõ tên) chạy về Đông Cao đã dùng chùa để thờ Phật và ẩn dật. Theo nội dung ghi trên bia, chùa còn thờ “Huyền Quang” vị sư tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do Trần Nhân Tông sáng lập.


Mái lợp ngói mũi hài cổ kính

Ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo cổ kính kiểu nội công, ngoại quốc, mái lợp bằng ngói mũi hài được thiết kế hài hoà với khung cảnh thiên nhiên gồm tiền đường, động thờ Mẫu, nhà thờ tổ, nhà tang, vườn tháp, giếng ngọc, khuôn viên và tường bao... Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Công gồm toà tiền đường và tam bảo. Chính điện Tam Bảo được xây dựng kiểu chữ Đinh quay theo hướng tây nam, gồm 7 gian tiền tế và 9 gian hậu cung. Trong ngôi Tam Bảo có 14 bức đại tự, 8 câu đối, một bản mộc cổ, 32 cột gỗ lớn nhỏ và có hệ thống tượng Phật cổ bằng gỗ với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.


Phần lớn tượng Phật được kiến tạo vào thời Lê và thời Nguyễn

Giá trị độc đáo của công trình này là hệ thống cổ vật và tượng gỗ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện tại chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật cổ gồm 30 pho bằng gỗ từ đời Lý, vừa lạ mắt, vừa độc đáo. Phía trước cửa chùa còn lưu trữ bệ đá hoa sen hình lục giác có niên đại khoảng thế kỷ thứ XV và một cây thiên đài bằng đá cao 1,7 m dựng năm Cảnh Trị 1671, 6 linh vật sấu đá trấn giữ được làm vào thời Hậu Lê và 3 tấm bia đá ở thế kỷ thứ XVII. Nghệ thuật chạm khắc trên các cổ vật bằng đá tại chùa Sùng Ân được thể hiện khá tinh xảo cho thấy tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thời Trần, Hậu Lê và thời Nguyễn. Không những để lại những giá trị độc đáo hiếm có mà còn đáp ứng nguyện vọng cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương.


Linh vật sấu đá trấn giữ được làm vào thời Hậu Lê 

Ông Ngô Văn Đương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Cao, Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Sùng Ân cho biết hệ thống tượng ở chùa được làm bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng. Độc đáo nhất là các nét của pho tượng rất giống với người thật từ chân tay, mái tóc, quần áo, tất cả đều được phỏng theo vua chúa của thời xưa. Qua sự thăng trầm của thời gian, chùa đang bị xuống cấp, các mảng chạm khắc hoa văn ở gian giữa nhà đại bái bị bong tróc, khi trời mưa nhiều chỗ bị dột, nước chảy ngấm vào tường khiến hậu cung, trụ cột bị nứt, mối mọt. Các tượng Phật tuổi đời hàng trăm năm bị mục ruỗng ở nhiều vị trí…

Chùa Sùng Ân không chỉ là công trình tôn giáo tâm linh đặc biệt mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng văn hóa tôn giáo tín ngưỡng gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của nhân dân. Theo ông Vũ Văn Kiền, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên, địa phương đã làm tờ trình báo cáo về một số hạng mục xuống cấp đề nghị các cấp, ngành sớm có phương án trùng tu, tôn tạo ngôi chùa này.

THÀNH ĐẠT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám phá chùa Sùng Ân