Nhữ Đình Toản – Danh thần tài năng xứ Đông

03/09/2022 08:07

Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1702 - 1774) quê ở xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương). Ông là một danh thần nổi tiếng thời Lê - Trịnh.


Nhà thờ Tiến sĩ Nhữ Đình Toản

Nhữ Đình Toản có tự là Thượng Chân, hiệu là Trạch Hải. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và nổi danh khoa bảng ở vùng đất Hải Dương.

Nhữ Đình Toản là cháu nội của Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng và là con của Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền. Năm 34 tuổi, ông thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), dưới triều vua Lê Ý Tông. Sau khi thi đỗ, năm 1738, ông ra làm quan.

Năm Tân Dậu (1741), vì có công trong việc dụ dư đảng của Nguyễn Tuyển ra đầu hàng nên Nhữ Đình Toản được bổ chức Tuần phủ.

 Với tài năng của mình, năm Giáp Tý (1744), Nhữ Đình Toản được chúa Trịnh Doanh gọi vào phủ giao cho việc quân cơ trọng yếu, tham lý quốc chính. Kể từ đó, ông thường điều trần những việc nên làm và rất xứng ý chúa.

Tháng 3 năm Tân Mùi (1751), chúa Trịnh cho tổ chức thi Cống sĩ. Sau khi đọc đề thi mà Ngô Đình Oánh ra đầu bài, thấy lối văn rườm rà, lại chia hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản đã xin chúa cho sửa đổi thi cử và văn chương lúc bấy giờ. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: “... Khoảng năm Chính Hòa (1680 -1704) bàn khôi phục lại thể văn đời Hồng Đức, Vũ Thạnh và Ngô Vi Thực kế tiếp nhau đứng ra chấn chỉnh, nhưng chung quy cũng không sao bỏ được lối văn trước. Đến nay, thi lại, bọn Ngô Đình Oánh ra đầu bài văn sách, lại chia ra hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi hương, thi hội và thi đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh y theo”.


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục với nhiều tư liệu về Nhữ Đình Toản (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Tháng 6 năm đó (1751), vâng lệnh chúa Trịnh Doanh, Nhữ Đình Toản tham khảo điển lễ các triều trước, đem 9 điều dạy bảo cho các tướng phủ. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi việc này rằng: Tháng 6, chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị. Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực lục”.

Sau này, Nhữ Đình Toản tiếp tục được chúa trao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tế tửu Quốc Tử giám, Thượng thư bộ binh... Dù ở cương vị nào, ông cũng làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhữ Đình Toản đã rất quan tâm đến việc dạy dỗ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Ông là người thầy có uy tín của nhiều học trò xuất sắc, tiêu biểu như hoàng giáp Ngô Thì Sĩ - một nhà khoa bảng, nhà sử học, nhà văn nổi tiếng.

Với tài năng và trách nhiệm đối với công việc, Nhữ Đình Toản rất được các chúa tin tưởng, yêu mến. Ông thẳng thắn khuyên chúa giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý nhất.

Năm Canh Thìn (1760), Trịnh Doanh đã giao cho ông giữ việc khảo xét, thưởng phạt các quan lại trong phủ. Ông luôn biết giữ mình, không a dua. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại câu chuyện rằng: “Tháng 3, khởi phục Lê Trọng Thứ giữ chức tả chính ngôn. Trọng Thứ là người chất phát, bộc trực, dám nói thẳng thắn, là một chỗ dựa vững chắc trong triều đình. Mùa thu năm trước, Trọng Thứ lấy cớ tuổi già xin về nghỉ. Triều đình hạ chiếu cho thăng chức Tả thị lang bộ hộ, về hưu trí, nhưng Trịnh Doanh vẫn chú ý quyến luyến mãi, nên lại có lệnh triệu vào chầu giữ chức bồi tụng kiêm tả chính ngôn. Nhữ Đình Toản nói: “Phủ liêu giữ việc chính trị, Ngự sử đài giữ việc can ngăn, mỗi người đều có nhiệm vụ phải làm, nếu nay đem Trọng Thứ đặt vào công việc chính phủ, thì sự lầm lỗi ở triều đình lấy ai sửa chữa cho đúng đắn được?”. Vì thế mới không bổ vào giữ việc ở phủ liêu mà phong cho chức này”.

Dưới triều chúa Trịnh Doanh, vì trọng đãi Nhữ Đình Toản, chúa đã cho đổi tên là Công Toản. Năm Nhâm Ngọ (1762), từ giữ chức Thượng thư bộ binh, ông được đổi sang giữ chức Hiệu điểm. Sau này về nghỉ rồi, ông vẫn được chúa gọi ra làm quan, nhưng Nhữ Đình Toản đã tìm mọi cách để từ chối. Ông mất năm Quý Tỵ (1773), thọ 72 tuổi.

Có thể nói, với nhân cách và hành trạng làm quan của mình, Nhữ Đình Toản xứng đáng là một trong những danh thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhữ Đình Toản – Danh thần tài năng xứ Đông