Quan tâm bảo tồn hệ thống tượng chùa Đan Tràng

04/10/2022 09:34

Chùa, đình Đan Tràng ở thôn Đan Tràng, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) có hệ thống tượng thần, phật đã tồn tại vài trăm năm nay nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên dột mỗi khi trời mưa

Hàng trăm năm lịch sử

Đan Tràng là mảnh đất hình thành khá sớm trong lịch sử do quá trình kiến tạo phù sa của sông Thái Bình. Người dân địa phương kể lại thuở xưa chùa và đình Đan Tràng được xây cạnh nhau trong một khuôn viên theo hướng tây nam kiểu "tiền thần, hậu Phật". Trước đây gọi là đình, chùa Cả nhưng không biết được khởi dựng từ khi nào. Theo những tài liệu còn lưu giữ tại đây, vào thời hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ XVII, XVIII), chùa và đình được trùng tu, mở rộng với quy mô lớn. Chùa Cả còn có tên là Phúc Quang tự, thờ Phật theo thiền phái đại thừa. Đình Đan Tràng thờ Mỗ Công đại vương, danh tướng của Hùng Duệ Vương, là người Đan Tràng, ông có công lớn trong đánh giặc, thống nhất đất nước.

Chùa được xây theo kiều chữ “đinh" gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện xây bít đốc. Đình từng bị thực dân Pháp đốt phá, sau này được người dân phục dựng theo kiểu chữ “nhị", gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Nhưng đến nay, 5 gian đại bái đã xuống cấp, chỉ còn 3 gian hậu cung vẫn đang được người dân địa phương sử dụng để thờ tự.


Hệ thống tượng ở vị trí trung tâm thượng điện


Hệ thống tượng Phật có giá trị nghệ thuật

Có lẽ giá trị nhất là hệ thống trên 30 tượng thần, Phật tại chùa Đan Tràng. Thượng điện gồm 6 hàng tượng Phật ở trung tâm với hai hàng tượng Thập điện Diêm Vương ở hai bên. Tiền đường gồm 4 pho tượng là Đức Thánh Hiền, thần Khuyến Thiện, thần Trừng Ác. Tất cả hệ thống tượng tại đây đều được tạo tác bằng gỗ, là những tác phẩm nghệ thuật quý, giàu xúc cảm thẩm mỹ, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian xưa tại xứ Đông.

 Một trong những bức tượng có giá trị tạo hình nghệ thuật cao nhất là bức tượng Tượng Quan Thế Âm Chuẩn Đề 46 tay. Tượng ở hàng thứ 3, cao 122 cm, vai rộng 43,5 cm, gối rộng 41,5 cm, đầu đội vương miện cài trâm ngọc, khuôn mặt được tạo hình đầy đặn, miệng hơi mỉm cười. Các tay tượng đều cầm "vật thiêng" như gương thần, chuỗi hạt, chim sė, con ốc, bầu nước cam lộ, chuông đồng, bông sen, quả lựu, cổ tay đeo vòng... Tượng ngồi trên tòa sen có 3 lớp cách đều nhau.

Các bức khác tại thượng điện gồm bộ tượng Tam Thế ở hàng thứ nhất; 2 pho Thị giả và l pho Phật A Di Đà ở hàng thứ hai; 2 pho tượng Quan Âm ở hàng thứ ba; 3 pho tượng sư tổ, tượng Quan Âm và Thái thượng lão quân ở hàng thứ tư; 3 pho tượng Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng và Nam Tào ở hàng thứ năm; hàng cuối cùng là 2 pho tượng Di Lặc và Thích Ca sơ sinh... Các bức tượng đều được tạo hình tinh tế, theo đúng tinh thần của Phật giáo. Tượng Quan Âm khuôn mặt thanh thoát, nhân từ; tượng sư tổ nét mặt hiền từ, mặc áo cà sa 2 lớp; tạo hình tượng Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng, Nam Tào cân đối, nét mặt nghiêm nghị; tượng Di Lặc vai và mình trần, bụng to béo, miệng cười lạc quan thư thái... Theo đặc điểm tạo hình, các bức tượng được tạo tác từ khoảng thế kỷ XVI, XIX.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đó, cụm di tích đình, chùa Đan Tràng đã được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2003.

Đến nay, dù hệ thống tượng thờ và ngôi chùa vẫn còn nhưng đang trong tình trạng đáng báo động. Mái chùa bị sa, nhiều năm nay mỗi khi mưa chùa thường xuyên bị dột. Khi trời mưa lớn người trông coi ở đây phải bọc các bức tượng bằng nilon để chống nước. Các bức tường đều bị bong tróc, lở nứt, một số cột gỗ bị mục, bệ gỗ kê tượng nứt, có bức tượng Phật bị long tay (phải gắn lại bằng keo). Thậm chí, trước đây đã xảy ra vụ việc mất trộm tượng Phật.

Ông Nguyễn Văn Cong, gần 70 tuổi, thành viên Ban Quản lý di tích chùa, đình Đan Tràng cho biết: "Sau khi được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, Ban Quản lý di tích và người dân chúng tôi đã tích cực bảo vệ, nhưng những năm gần đây di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được các cấp, ngành sớm quan tâm bảo tồn".

Hàng trăm năm nay, đình, chùa Đan Tràng không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho người dân địa phương mà còn là cơ sở cách mạng một thời, chứng kiến bao đổi thay thời cuộc. Các cấp, ngành liên quan cần sớm quan tâm, xem xét phương án bảo tồn, phục dựng để lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.

BÌNH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm bảo tồn hệ thống tượng chùa Đan Tràng