Tấm bia cổ về Nghè Tân ở miếu Chợ Cốc

25/12/2021 11:08

Tấm bia mang tên “Thiệu Trị ngũ niên - Ất Tỵ thu ký” được dựng năm 1845, đặt phía bên trái gian tiền tế miếu Chợ Cốc.

Ảnh miếu Chợ Cốc ngày nay

Ngôi miếu được xây dựng tại trung tâm xã Gia Khánh (Gia Lộc), có vị trí cạnh ngã ba của con đường liên thôn nên còn có tên là miếu Ba Chạ (chụng, chạ). Ở đây đang lưu giữ một di sản quý chính là những văn bia cổ ghi công lao của một vị tiến sĩ, một vị quan thanh liêm trong lịch sử.

Tấm bia tạc theo phong cách tạo hình thời Nguyễn, cao 110cm, rộng 56cm và dày 17 cm. Bia khắc khoảng 1000 chữ. Bia hình dẹt, đỉnh vòm. Trán mặt trước và mặt sau khắc hình “lưỡng long triều nhật”, diềm xung quanh thân bia trơn, tên bia đặt trong ô tròn, bia được đặt trên lưng rùa.

Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán chân phương đặc trưng của thời Nguyễn. Mặt trước tấm bia có nội dung: Mọi người trong ấp Đông Dương, xã Thượng Cốc (Gia Lộc) thấy phong thủy rất đẹp, đất đai trù phú, dân cư yên ổn. Thôn ấp nằm riêng biệt so với các vùng khác. Đây vốn là nơi dân cư phong nhã, có tục thờ quỷ, thần rất nghiêm. Xưa ở đây có miếu thờ thần, cạnh đó có khe suối nhỏ, nền của núi cao uốn lượn quanh co, mới làm một cái đài Tinh Hoàn để hằng năm mọi người trong làng làm lễ cầu thần, mong thần đem lại sự yên ổn cho tất cả mọi người trong ấp của ta. Cho nên, có thể nói cái đình này có từ rất lâu rồi. Nay người dân trong 6 thôn muốn nhận việc tu bổ lại đình này. Nên mới nói rằng: Khi phân việc ra mà không biết đoàn kết lại thì khó mà làm lên được. Trong ấp của ta có ông tiến sĩ Nguyễn Qúy Tân - vốn là người tài, cùng góp sức với mọi người lo việc, thuê thợ, luân phiên cùng những người lớn tuổi trong làng không quản ngại về tiền bạc cũng như sức lực mà tu sửa lại miếu mạo ngày càng mới hơn, quy mô và rộng rãi hơn.

Mặt sau của tấm bia ghi họ tên và số tiền công đức của các thôn trong bản xã.

Đây là loại văn bia vừa ca ngợi công đức của tiền nhân, xen với miêu tả cảnh sắc vùng đất Thượng Cốc, công việc trùng tu xây dựng đình mang ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Mặt trước và mặt sau tấm bia đều ghi rõ: Trong ấp có ông tiến sĩ Nguyễn Qúy Tân công đức 200 quan cùng mọi người tu sửa lại miếu mạo ngày càng mới hơn và rộng rãi hơn. Ông chính là một vị tiến sĩ, một vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử.
Nguyễn Qúy Tân (1814 - 1858), hiệu là Đỉnh Trai, biệt hiệu là Tản tiên đình cư sĩ, người làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), làm quan tới chức tri phủ.

Tuy nhiên theo một số công trình nghiên cứu khác được biết thuở nhỏ Nguyễn Qúy Tân là người học rộng, hiểu nhiều, nổi tiếng về văn chương, thơ phú. Ông từng được sung vào làm Giám sinh Quốc Tử Giám. Tháng 5 năm Nhâm Dần (Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) nhân có chuyện bang giao với nước ngoài, nhà vua mở Ân khoa thi Hội do Hà Duy Phiên làm chủ khảo và Phan Thanh Giản làm phó khảo. Khoa thi năm đó, Nguyễn Qúy Tân cùng 12 người khác đã thi đỗ. Tháng 6 năm Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), tại kỳ thi Đình ông đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sau đó ông được bổ làm quyền Tri phủ Quảng Oai. Tuy nhiên vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông Nguyễn Qúy Tân vì dùng phu chạy trạm riêng về quê nhà nên bị quan tỉnh Ninh Bình tâu lên, bị Bộ Binh nghị phải phạt trượng và chịu tội đồ. Khi được tấu trình, vua cho rằng Nguyễn Qúy Tân từ khoa giáp xuất thân, sơ học tân tiến, chuẩn cho cách chức và theo làm việc ở bộ.

Bản dập mặt trước và mặt sau tấm bia mang tên “Thiệu Trị ngũ niên - Ất Tỵ Thu ký” hiện còn được lưu giữ tại di tích

Đến thời vua Tự Đức, dân tình đói khổ, quan tham ngoài trấn hống hách. Quan nghè Nguyễn Qúy Tân vốn là một ông quan nhân từ, thanh liêm nên rất bất bình. Nhân đó ông quyết định treo ấn về quê sống ẩn dật, không màng lương bổng, lợi lộc, đi ngao du nhàn tản.

Khi về quê ở ẩn, ông thấy ngôi miếu trải qua năm tháng có nguy cơ đổ nát, ông đã quyết định cùng nhân dân trong xã góp công sức xây lại ngôi miếu. Ngôi miếu được khánh thành vào ngày tốt tháng 3 năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Để ghi nhớ công ơn của người trước, ông đã cho lập bia ghi lại những việc đó để truyền lại cho thế hệ sau được biết.

Tiến sĩ Nguyễn Qúy Tân không chỉ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, thương dân, có tài mà ông còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn chương nước nhà với tập thơ “Túy Tiên thi tập” và qua tấm bia này, chúng ta còn biết được công lao to lớn của Nguyễn Qúy Tân - người coi trọng việc làng trong việc xây dựng, gìn giữ nơi tâm linh, linh thiêng của nhân dân.

Miếu Chợ Cốc gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung và được trùng tu vào đầu thời Nguyễn. 5 gian tiền tế kiến trúc theo kiểu con chồng giá chiêng và kèo cầu bít đốc. Ngoài những bức chạm như “trúc hóa long”, mai điểu trên các đầu bẩy, di tích còn có một số bức chạm “long cuốn thủy, tứ linh, tứ quý” ở các gian trung tâm. 

Miếu có từ thời Lý - Trần thờ một vị danh tướng triều Lý là Nguyễn Công Nguyên, người có công đánh giặc Tống ở thế kỷ XII, chiến công của ông gắn liền với lịch sử miếu Chợ Cốc.

Ngày 25.1.1991, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định công nhận miếu Chợ Cốc là “Di tích lịch sử - văn hóa” cấp quốc gia.

HOÀNG PHƯƠNG LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm bia cổ về Nghè Tân ở miếu Chợ Cốc