Lan tỏa các làn điệu chèo

26/11/2022 06:16

Nhằm gìn giữ, phát huy môn nghệ thuật chèo, nhiều giáo viên và người đam mê đã tích cực truyền dạy để lan tỏa những làn điệu chèo đến với đông đảo người dân.


Anh Phạm Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ quần chúng (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) hướng dẫn học viên một làn điệu chèo tại khu dân cư Tường, phường Văn An (Chí Linh) 

Nhờ sự truyền lửa của giáo viên và những người đam mê, các làn điệu chèo đã lan tỏa đến đông đảo người dân, góp phần gìn giữ, phát triển môn nghệ thuật được coi là khó này trong cộng đồng. 

Tâm huyết

Một ngày cuối tháng 11, trong tiết se lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi về khu dân cư Tường, phường Văn An (Chí Linh), nơi có lớp tập huấn về các loại hình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức. Trong tiếng hát chèo bài “Quê hương ơn Bác” do anh Phạm Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ quần chúng (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) sáng tác được ghi âm sẵn, học viên say sưa luyện tập cho nhuần nhuyễn các động tác múa. Anh Tuấn, người trực tiếp hướng dẫn lớp tập huấn này đứng bên cạnh chỉnh sửa, nhắc nhở học viên từ cách đi ra sân khấu, nét mặt, tay để như thế nào, ánh mắt đưa theo tay ra sao cho phù hợp. “Quê hương ơn Bác” thuộc làn điệu chèo đường trường thu không, có trường độ, cao độ nên anh Tuấn đã hướng dẫn tỉ mỉ cho học viên phân chia sức lực hợp lý để tránh tình trạng bị gãy ở đoạn lên cao. 

Anh Tuấn có gần 20 năm tham gia truyền dạy các làn điệu chèo cho hàng nghìn người. Theo anh Tuấn, chèo là môn nghệ thuật khó, ngoài giọng hát bẩm sinh, cần phải được học kỹ thuật thì mới hát hay, hát đúng. Anh thường hướng dẫn học viên cách mở khẩu hình, lấy hơi, cách diễn cho phù hợp với từng làn điệu chèo.


Ông Đoàn Hữu Thắng ở thị trấn Gia Lộc trình bày làn điệu chèo chuyển thể từ bài hát "Cúc ơi"

“Học viên hầu hết là người tuổi đã cao nên khi truyền đạt, tôi luôn lựa chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt thế nào để dễ hiểu nhất. Nhiều người từ chỗ chưa biết gì về hát, múa chèo nhưng sau đó đã có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn”, anh Tuấn nói.

Để làn điệu chèo gần gũi hơn với người dân, mỗi người lại có cách truyền dạy, lan tỏa khác nhau. Từng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sau khi nghỉ hát, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (76 tuổi, ở thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải, Thanh Hà) đã thành lập Câu lạc bộ Vũ đoàn trống hội, thu hút 25 thành viên tham gia. Bà Tuyết thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”. Mỗi bài cụ thể, bà dạy hát từng câu, chữ nào thì phải nhấn nhá cho hay, cách đánh phách, đi đứng, biểu cảm khuôn mặt phù hợp với từng làn điệu, câu hát… sau đó khớp lại thành một bài hoàn chỉnh. 

Tâm huyết với nghệ thuật chèo, bà Tuyết đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua nhạc cụ, trang phục phục vụ các thành viên trong đoàn luyện tập, biểu diễn. “Mỗi làn điệu chèo, vở kịch cần một loại trang phục riêng và phải có đầy đủ thì biểu diễn mới hay, sinh động được”, bà Tuyết cho biết.


Câu lạc bộ Vũ đoàn Trống hội, xã Thanh Hải (Thanh Hà) luyện tập múa, hát chèo

Người dân phấn khởi

Năm nay đã 75 tuổi nhưng ông Đoàn Hữu Thắng ở thị trấn Gia Lộc lần đầu tiên được tham gia lớp học hát chèo do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức nên rất hứng thú. Từ nhỏ ông Thắng đã có tình yêu với những làn điệu chèo và đến năm 14 tuổi ông tham gia vào đội văn nghệ của địa phương. Do ông tự học nên việc hát, múa còn đơn giản, chưa thực hiện được kỹ thuật khó. Khi được học lớp hát chèo, ông đã lĩnh hội được nhiều kiến thức. “Đó là kỹ thuật lấy hơi, phân chia sức cho hợp lý, không tập trung quá nhiều sức vào đoạn đầu mà đoạn sau hụt hơi, hát đúng phách, đúng nhịp, luyến láy, lên cao xuống thấp uyển chuyển… Lớp học này thật sự bổ ích với tôi”, ông Thắng khẳng định.

Vốn quanh năm “chân lấm tay bùn”, không biết múa, hát và cũng chưa tiếp xúc với sân khấu… nên khi được bà Tuyết vận động tham gia Câu lạc bộ Vũ đoàn trống hội, nhiều chị em trong thôn Thừa Liệt còn ngại ngùng, bỡ ngỡ. Nhưng khi đã tham gia một thời gian lại thấy thích thú vì được tiếp cận với nhiều điều mới mẻ. Chị Nguyễn Thị Nghiên, một thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ: "Vốn không biết hát đúng nhạc, đúng kỹ thuật, nhưng khi được hướng dẫn thì ai cũng làm được. Đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ đều biết hát chèo”. 

Chèo là môn nghệ thuật khó nên cần nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, những người có tâm huyết đứng ra truyền dạy tới người dân các làn điệu, nhất là làn điệu cổ. Có như vậy môn nghệ thuật này mới sống mãi và lan tỏa rộng trong đời sống nhân dân.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Lan tỏa các làn điệu chèo