Phát hành báo Hải Dương thời chiến

30/11/2021 15:30

Khi mới ra đời, báo Hải Dương đã trở thành món ăn tinh thần thân thuộc đối với cán bộ và nhân dân trong tỉnh.


Bà Nguyễn Thị Nhân từng tham gia phát hành báo Hải Dương trong những năm 1971-1975

Để kịp thời đưa tờ báo đến với bạn đọc, nhân viên phát hành thư báo thời xưa ai nấy đều không quản ngại nguy hiểm, khó khăn.

Cụ Nguyễn Đắc Ức ở TP Hải Dương năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn còn nhớ khá rõ thời điểm đầu báo Hải Dương mới phát hành. Bấy giờ cụ Ức là Giám đốc Công ty Bưu chính và Phát hành báo chí Hải Dương (thuộc Ty Bưu điện tỉnh). Công ty có trách nhiệm phát hành thư báo về các huyện. “Báo Hải Dương bấy giờ ra hai kỳ/tuần, in màu đen trắng. Cùng với ấn phẩm của các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, báo Hải Dương được dân tình háo hức tìm đọc bởi nhiều thông tin liên quan đến tình hình chiến sự và nhiều sự kiện khác. Tôi không nhớ chính xác số lượng mỗi ngày nhưng báo Hải Dương phát hành xuống tận thôn, người dân truyền tay nhau đọc”, cụ Ức nhớ lại.

Theo cụ Ức, ngày ấy báo Hải Dương thường được tập kết tại công ty khoảng 5-6 giờ sáng. Sau khi được phân loại, báo được gửi lên xe khách vận chuyển xuống một số huyện xa trung tâm. Với những huyện gần thì nhân viên phát hành sẽ vận chuyển bằng 58 chiếc xe đạp Tiệp Khắc của công ty. Đường sá thời ấy xấu, khó đi nhưng các nhân viên đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Thường cứ 8-9 giờ sáng thư báo sẽ xuống đến Bưu điện các huyện, từ đây bưu tá cấp dưới sẽ nhận rồi tiếp tục vận chuyển bằng xe đạp xuống các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tháng 11.1965, không quân Mỹ đánh phá cầu Lai Vu, Phú Lương, mở đầu cho các hành động leo thang phá hoại tuyến giao thông chiến lược Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng. Nhiều đường thư báo bị địch liên tục bắn phá ác liệt, nhất là khu vực các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, các xã ven đường 5, đường 17, đường 191. Nhưng đội ngũ nhân viên Ty Bưu điện - Truyền thanh Hải Dương (bây giờ đã đổi tên gọi) vẫn dũng cảm vượt qua bom đạn, dũng cảm duy trì các tuyến đường vận chuyển báo Hải Dương nói riêng, các loại thư, báo nói chung. Nhiều tấm gương sáng xuất hiện như bà Vũ Thị Kim Qua, Trạm trưởng Trạm Bưu điện - Truyền thanh xã Ái Quốc (Nam Sách, bây giờ thuộc TP Hải Dương). Ngay sau loạt bom đầu phá hoại cầu Lai Vu của giặc Mỹ, bà Qua đã dũng cảm men theo cầu qua sông để đưa thư báo xuống cơ sở. “Nhớ lần cầu Phú Lương bị giặc Mỹ đánh giá, chúng tôi phải thuê một con đò cố định một thời gian để vận chuyển thư báo qua sông. Do có cảnh báo từ xa nên anh em trên đường đi làm nhiệm vụ đều có ý thức bảo vệ mình, máy bay đến là chui xuống hầm trú ẩn”, cụ Ức kể.

Bà Nguyễn Thị Nhân (76 tuổi ở thôn An Điền Kim, xã Cộng Hòa, Nam Sách) là một trong số ít nhân viên thư báo làm việc trong khoảng thời gian 1971-1975 còn nhớ khá rõ công việc của mình thời ấy. Bà kể ngày ấy không có nhiều báo chí như bây giờ nên các ấn phẩm báo chí, trong đó có báo Hải Dương được cán bộ, nhân dân đón đọc. Ngoài cán bộ được phát báo theo tiêu chuẩn thì nhiều người dân cũng bỏ tiền túi ra mua về đọc. Hằng ngày, cứ tầm 5-6 giờ sáng, bà Nhân đạp xe hơn 15 cây số lên Bưu điện tỉnh nhận thư, báo. Đống báo chất cao cả mét được bà chuyển về để các nhân viên bưu tá mang đi phát cho từng xã, thôn. Số còn lại bà mang về phát cho Đảng ủy, UBND, đội trưởng, đội phó sản xuất… ở xã Cộng Hòa. Đường sá đầy ổ trâu, ổ gà, chiếc xe cũ bà Nhân dùng để chở thư báo không chuông, không phanh, mấy lần ngã bổ nhào ra đường, lao xuống cả bờ kênh. “Nhiều lần trời mưa như trút nước, tôi bỏ hết mảnh vải mưa ra che đống báo, người ướt hết. Vậy mà về nhà nhiều tờ báo vẫn bị dính nước, lại phải dùng quạt, đèn sợi đốt để hong cho khô rồi mới mang đi phát cho cán bộ và nhân dân địa phương”, bà Nhân kể.

Cầm tờ báo Hải Dương hiện tại trên tay, bà Nhân nói với giọng hồ hởi: “Bây giờ báo tỉnh ta giấy in sáng và mịn hơn, không nổi đầy gân cục như ngày trước. Các tin, bài, chuyên mục trên báo phong phú, cung cấp nhiều thông tin hay. Hy vọng báo Hải Dương sẽ có nhiều đổi mới để ngày càng hấp dẫn bạn đọc hơn”.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hành báo Hải Dương thời chiến