“Tết thầy” - nét đẹp trong văn hóa của người Việt

03/02/2022 09:22

Tuổi thơ lam lũ của chúng tôi qua nhanh rồi cũng đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Trong đám học trò quê ngày ấy có nhiều đứa làm thầy, làm cô và tôi cũng vậy.

Người Việt chúng ta từ xưa đến nay vẫn thường xem trọng đạo lý thầy trò trong những ngày Tết nên dân gian thường nói: “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ,mùng ba tết thầy” để nhắc nhớ truyền thống “tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn" của mỗi con người.

Ngày Tết, không chỉ là ngày để chúng ta vui chơi mà là còn là những ngày để mọi người nhớ, tri ân ông bà, cha mẹ, những người thân yêu và cả những người thầy, người cô đã góp phần dạy dỗ mình nên người.

Và, chúng tôi cũng vậy. Ngày còn đi học phổ thông, nhất là những năm cấp trung học cơ sở thì chúng tôi hay đến thăm thầy cô vào ngày Tết. Lúc đó, những tháng năm đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới nên thầy và trò cũng đều khó khăn nhưng ấm áp tình thầy trò.

Đến bây giờ, khi mà chúng tôi cũng đang đứng trên bục giảng và nét đẹp "mùng 3 tết thầy" cũng vẫn đang được nhiều học sinh lưu giữ, phát huy.

Ngày chúng tôi còn đi học phổ thông ở những năm trước và sau khi đất nước bắt đầu đổi mới nên gian nan và vất vả vô cùng. Lúc học cấp II thì đa số chúng tôi vẫn đi bộ hằng ngày đến trường, chuyện được cha mẹ đưa đón như học sinh bây giờ gần như không có.Những chiếc xe đạp cà tàng đèo nhau đến thăm thầy cô

Chúng tôi cứ như cỏ cây giữa đất trời vậy nhưng có một tuổi thơ đầy hồn nhiên, chân chất và mấy chục năm sau này những kỉ niệm thân thương của thời đi học vẫn mãi khắc ghi trong đầu.

Ngày Tết, bánh kẹo cũng không phải là nhà nào cũng có nên trong vườn có quả gì ăn được là hái vào nhà để mời khách. Lúc đó, những chiếc xa đạp cà tàng, cũ kĩ mà không phải nhà nào cũng có.

Chính vì thế, khi đám bạn học hẹn nhau đến nhà thầy cô vào dịp Tết là thường chở 2, chở 3 nhưng không bao giờ thấy mệt nhọc gì cả. Tuổi trẻ mà, tranh thủ lấy được chiếc xe đạp của gia đình là phóng vù ra trường í ới với bạn bè đi chơi thỏa thích.

Đường quê ngày Tết nhiều khi cũng bùn đất bê bết lắm bởi mưa phùn cứ ríc rắc từ ngày này sang ngày khác. Nhiều lúc đang đi xe thì vị bùn đất mắc cứng vào bánh xe không thể nào đi được.

Thế là chúng tôi lại dừng lại tìm trong các bờ rào ven đường xem có cây nào bẻ được là bẻ để chọc cho hết đất rồi lại tiếp tục đi tiếp.

Chúng tôi đến nhà thầy cô nhiều khi cũng chắc biết chúc gì chỉ được cái nhanh nhảu chào thầy, chào cô rồi theo chân thầy cô bước vào nhà. Nhiều khi đi chúc Tết đông quá, chúng tôi ngồi chen lấn lên chân nhau ở ghế, thậm chí ngồi lên cả giường nhà thầy cô giáo của mình.

Những đĩa bánh kẹo hay trái cây được thầy cô bê ra chỉ thoáng cái là hết. Có lẽ một phần vì đói bởi đi suốt ngày, phần vì chúng tôi ngày đó còn quá nhỏ chưa biết ý tứ là gì.

Bây giờ nghĩ lại nhiều khi thương thầy cô vô cùng. Không biết thầy cô mua được bao nhiêu bánh kẹo, trong vườn có bao nhiêu trái cây nhưng hết học trò lớp này đến lớp học trò khác vào chắc thầy cô không còn bánh trái để tiếp khách gia đình.

Những năm tháng tuổi thơ đi qua rất nhanh, chất chứa nhiều kỷ niệm với thầy cô, với bạn bè và chúng tôi đã đi “Tết thầy” như thế đó.

Và, bây giờ chúng tôi làm thầy

Tuổi thơ lam lũ, đói nghèo của chúng tôi qua nhanh rồi cũng đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Trong đám học trò quê ngày ấy có nhiều đứa làm thầy, làm cô và tôi cũng vậy.

Chúng tôi lại tiếp tục nối tiếp thầy cô của mình để được đứng trên bục giảng, được học trò của mình cũng đến nhà trong những dịp Tết Nguyên đán như thuở nào mình đã đến nhà thầy cô.

Nhưng, học trò của tôi đến thăm thầy phần lớn là học trò đã trưởng thành chứ không phải là học sinh phổ thông.

Bởi lẽ, ngày mới ra trường thì tôi dạy ở ngoài Bắc, sau này vào Nam công tác thì tôi lại dạy tại một ngôi trường quê, cách nhà gần hơn 20 cây số nên ngày Tết thì gần như học sinh đang dạy không thể nào đến thăm, chúc Tết thầy được.

Những học trò cũ đến thăm tôi phần lớn đã là sinh viên hoặc đã đi làm nên các em có sự trưởng thành và tất nhiên các em không còn phải sống trong cái đói nghèo của chúng tôi trong những tháng năm đất nước vừa đổi mới.

Có năm, mấy đứa học trò cũ đang làm việc trên Sài Gòn xuống thăm thầy ở miền Tây chơi mấy ngày Tết mới về. Tình thầy trò vẫn luôn khăng khít và nghĩa tình dù năm tháng dạy và học với nhau đã lâu.

Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chuyện học trò đến thăm thầy không được thực hiện như trước đây nhưng một số học trò của tôi kể cả hiện tại và học trò cũ vẫn thường nhắn tin hoặc gọi điện chúc Tết thầy.

Tình thầy trò vì thế mà vẫn liên lạc được với nhau - dù nhiều em học sinh đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng mà thôi vì mỗi năm có hàng trăm học trò làm sao thầy có thể nhớ hết được tất cả các em một cách cụ thể, rõ ràng.

Ngày nay, xã hội có nhiều những đổi thay. Thỉnh thoảng chúng ta lại chứng kiến một số sự cố buồn trong mối quan hệ thầy trò ở một số nhà trường. Những lúc như thế, có lẽ trong thâm tâm những thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng đều cảm thấy chạnh lòng…

Nhưng, dù có những lúc xảy ra chuyện thế này, thế khác, có cả những hiện tượng cá biệt làm cho mối quan hệ thầy trò có lúc không còn vẹn nguyên như trước. Nhưng, nhìn vào tổng thể mối quan hệ thầy trò thì chúng tôi vẫn thấy được những nét đẹp rất riêng.

Cũng chính vì vậy mà tục “mùng ba tết thầy” vẫn được nhiều học trò duy trì, gìn giữ, tạo nên một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt mình.

Và, chúng tôi tin nếu như mỗi thầy cô thực sự là những tấm gương sáng trước học trò thì dù học trò không đến thăm thầy, không chúc tết thầy nhưng có lẽ hình ảnh những thầy cô như thế vẫn mãi “đọng lại” trong mỗi thế hệ học trò của mình.

Nghề dạy học được chắt chiu từ những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc bất chợt trong mối quan hệ thầy trò cũng giúp cho đội ngũ những người làm thầy thấy yêu hơn nghề nghiệp của mình đang gắn bó.

Theo Giáo dục

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tết thầy” - nét đẹp trong văn hóa của người Việt