Thú chơi nhà giả cổ

02/05/2021 21:09

Trải qua thời gian, số lượng nhà cổ ngày một ít đi, những ngôi giữ được kiến trúc, chất liệu, phong cách trang trí nghệ thuật ban đầu lại càng hiếm. Nặng lòng với kiến trúc truyền thống, nhiều người đã xây nhà giả cổ làm nơi ở và thờ cúng tổ tiên.


Ngôi nhà của ông Tuấn vừa là nơi ở, nơi thờ cúng của gia đình

Tâm huyết cả đời thợ

Nổi tiếng với nghề làm đình, chùa với lịch sử hàng trăm năm, tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) những năm gần đây xuất hiện nhiều ngôi nhà giả cổ. Một trong những ngôi nhà bề thế nhất ở đây là của ông Hoàng Văn Nghiệp, một người thợ lành nghề của làng. Hàng chục năm chỉ huy đội thợ phục dựng đình, chùa cũng như xây dựng các công trình nhà thờ, nhà ở theo lối giả cổ ở khắp các tỉnh miền Bắc, từ lâu ông Nghiệp muốn xây dựng một ngôi nhà giả cổ làm nơi sinh hoạt cho gia đình mình. Về thăm nhà ông Nghiệp vào một ngày tháng 4, chúng tôi thấy ngôi nhà đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Ông Nghiệp đã chuẩn bị trong nhiều năm để chọn mua gỗ và xây dựng ngôi nhà này. Ngôi nhà được thiết kế hai tầng, tầng dưới xây gạch ốp gỗ, tầng trên được làm hoàn toàn bằng gỗ lim Lào. Cạnh ngôi nhà là lầu lục giác mái kép và hòn non bộ, nơi để tiếp khách, thư giãn. Trước khi xây, đội thợ mất nhiều tháng để hoàn thiện các chi tiết gỗ của ngôi nhà như cổng, cửa, các bức thuận… Toàn bộ phần gỗ chạm khắc trong căn nhà đều được làm từ gỗ nguyên khối với kỹ thuật chạm bong tạo ra những hoa văn trang trí tầng tầng lớp lớp, đạt hiệu quả không gian, hình khối. Đây cũng là cách làm của “giới nhà giàu” vì tốn gỗ hơn nhiều so với chạm khắc hoa văn riêng biệt và dán lên gỗ.

Ngôi nhà được khởi công năm 2020 đến nay đã gần hoàn thiện. Tầng trên là 5 gian bề thế theo kiểu tiền kẻ hậu bẩy, con chồng đấu sen, cột cái cao gần 5,2 m. Trên chồng nóc là dòng chữ về thời gian xây dựng ngôi nhà. Hai gian bên của gian chính là hai bức tranh gỗ chủ đề đồng quê và vinh quy bái tổ. Cả hai bức tranh được chạm khắc sinh động, tái hiện hình ảnh làng quê yên bình với giếng làng, cây cầu, bụi tre, nông dân đi cày, trẻ em nô đùa, đoàn người ngựa cùng quan quân cờ hoa kéo về làng, dân làng đổ ra xem… Trang trí trên các bức thuận, cửa, kẻ hiên… là hoa văn tứ quý. Tất cả phần trang trí trong ngôi nhà đều được chạm khắc theo lối thời Nguyễn. Các mảng, miếng trang trí trong ngôi nhà chủ yếu được những người thợ chạm khắc thủ công, chỉ một vài chi tiết rất nhỏ được làm bằng máy móc nên đều toát lên hồn cốt, sự tinh tế từ bàn tay tài hoa của người thợ Cúc Bồ. Ông Nghiệp dự kiến chi phí xây dựng ngôi nhà này hơn 10 tỷ đồng.


Chủ đề tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" được chạm khắc mềm mại, tinh tế tại cửa nhà ông Nghiệp

Nơi sum họp gia đình

Được xây dựng từ năm 2017, đến nay ngôi nhà giả cổ của ông Nguyễn Văn Tuấn ở khu dân cư Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) vừa là nơi ở, vừa là nơi thờ cúng của gia đình. Ông Tuấn là con trưởng trong gia đình 6 anh chị em. Năm 2017, nhận thấy ngôi nhà của bố mẹ xây gần 40 năm trước đã xuống cấp, các anh chị em trong gia đình ông Tuấn đã chung tay xây ngôi nhà để ở và thờ cúng trên nền ngôi nhà cũ. Ngôi nhà gồm 3 gian với tổng diện tích 80 m2 được làm từ gỗ sến đỏ, kiểu nhà con chồng đấu sen. Bên trong ngôi nhà có một gian hậu cung để thờ cúng tổ tiên, thiết kế này giúp cho các sinh hoạt trong ngôi nhà thuận tiện hơn so với kiểu nhà truyền thống khi gian chính giữa chủ yếu để thờ cúng và tiếp khách.

Để xây dựng ngôi nhà, những người thợ đã phải bắt đầu chạm, đục, trang trí các bộ phận bằng gỗ suốt hơn 4 tháng trời. Gian giữa của ngôi nhà có bức đại tự, hai bên là đôi câu đối. Bức đại tự có dòng chữ sơn son thiếp vàng “đức lưu quang” với ý nghĩa người đi trước gìn giữ, tu dưỡng đạo đức thì thế hệ sau được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trang trí trong ngôi nhà chủ yếu là hoa văn tứ quý tùng, cúc, trúc, mai và hoa văn lá lật theo lối trang trí thời Nguyễn với đường nét mềm mại, khéo léo, kết cấu chặt chẽ, hài hòa với thiên nhiên.

Sau khi hoàn thành, vợ chồng ông Tuấn chuyển sang sinh hoạt chính trong ngôi nhà này. Ngày đó có rất nhiều người đến xem ngôi nhà để tham khảo. Vào các dịp lễ, Tết hay mỗi khi có việc cần họp bàn, ngôi nhà trở thành nơi tụ họp của cả gia đình. Cụ Nguyễn Trọng Biện, bố đẻ ông Tuấn, nay đã gần 90 tuổi tự hào cho biết: “Ngôi nhà không chỉ thuận tiện để ở và thờ cúng tổ tiên mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết của các con cháu trong gia đình. Từ khi hoàn thành ngôi nhà này, gia đình có nơi hương khói đàng hoàng, con cháu có một nơi sum họp, ôn lại truyền thống gia đình”.

Ông Nghiệp cho biết những năm gần đây thú chơi nhà giả cổ ngày càng được quan tâm, chủ yếu là nhà riêng hoặc nhà thờ của các gia đình, dòng họ có điều kiện kinh tế. Nếu như trước đây phải chục năm ông Nghiệp chỉ nhận từ 4-5 công trình thì gần đây ông nhận mỗi năm khoảng 20 nhà giả cổ với giá trị từ 1 đến khoảng 6,7 tỷ đồng/nhà.

Không chỉ được lưu giữ ở đình chùa, những kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã đi sâu vào đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của con người hiện đại trong những ngôi nhà giả cổ, góp phần nhắc nhở mọi người gìn giữ nét đẹp cư xử, lối cũ, nếp xưa, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

 VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú chơi nhà giả cổ