[Video] Trẻ em bị đuối nước, làm sao tránh?

15/06/2021 10:49

Mới chớm hè nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Đây là hồi chuông báo động khẩn thiết phải có những biện pháp phòng tránh đuối nước.


Cần giáo dục cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, ao, hồ

Nỗi đau dai dẳng

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến ngày 13.6 toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước làm 9 trẻ em tử vong. Các vụ đuối nước chủ yếu xảy ra từ tháng 4 trở lại đây.

Điển hình là vụ hai cháu nhỏ sinh đôi gần 2 tuổi bị đuối nước ở ao cá cạnh nhà xảy ra tại xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) ngày 3.6 vừa qua.

Theo lời kể của gia đình, chiều hôm đó, bà nội của hai cháu tranh thủ nấu cơm, để hai cháu tự chơi. Một lúc sau quay ra không thấy hai cháu thì nghĩ cháu đi chơi với ông nội. Khi ông nội về không thấy hai cháu và đi tìm thì phát hiện hai cháu đã tử vong ở ao cá cạnh nhà. Anh Phạm Thanh T., bố của hai cháu nghẹn ngào nói: "Chỉ vì không cẩn trọng mà hai con gái bé bỏng của tôi không còn nữa. Tôi mong người lớn, cộng đồng xã hội hãy quan tâm đến trẻ em nhiều hơn, nhất là dịp hè này. Đừng để xảy ra sự việc đau xót như gia đình tôi".

Tại huyện Bình Giang, chỉ trong tháng 5.2021 đã xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 2 cháu nhỏ. Đó là vụ đuối nước xảy ra vào ngày 29.5 tại ao bơi của thôn Phú Khê, xã Thái Học khiến một cháu bé 7 tuổi tử vong. Trước đó ngày 26.5, tại giếng đình của thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền cũng xảy ra vụ đuối nước khiến một cháu bé 8 tuổi tử vong.

Cứ vào dịp hè, những vụ trẻ em đuối nước như trên lại là nỗi đau dai dẳng của mỗi gia đình. Tai nạn đuối nước ở trẻ em là vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, làm ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Theo ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), nguyên nhân đuối nước ở trẻ em phần lớn là do sự thiếu quan tâm của gia đình và cộng đồng xã hội. Nhiều trẻ em chưa biết bơi hoặc chưa có kỹ năng an toàn, xử lý tình huống khi bơi và cứu đuối. Đặc biệt, người lớn còn lơ là, chưa giám sát chặt chẽ; kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế...

Đuối nước hay xảy ra đối với trẻ em do bản tính hiếu động, thích nghịch nước, nhất là vào dịp hè khi trẻ em được nghỉ. Năm nay, do dịch Covid-19, các khu vui chơi giải trí đóng cửa cũng khiến các em tìm đến sông, ao, hồ để vui chơi nhiều hơn.

Tại thành thị cũng như nông thôn, tình trạng xây dựng các công trình, khai thác cát, đất tràn lan đã để lại các hố sâu hay các ao, hồ, sông... phần lớn không được cắm biển cảnh báo nguy hiểm, không rào chắn cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Giải pháp nào?

Ông Phạm Anh Thứ, Phó Chủ tịch HĐND xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: "Chúng tôi sẽ rà soát những điểm nguy cơ đuối nước để cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhất là trong dịp hè để các bậc phụ huynh cảnh giác. Mặt khác sẽ có giải pháp tạo sân chơi, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức bơi lội cho cả trẻ em và người lớn nhằm hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em".

Theo ông Vũ Hồng Quân, việc phải làm ngay là có biện pháp cho trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm. Người lớn cần nghiêm cấm trẻ em không rủ nhau, không đi lại, chơi gần những nơi như ao, hồ, sông… Trẻ em khi bơi lội nên mặc áo phao và phải có người lớn trông coi. Đối với trẻ nhỏ luôn phải giám sát chặt chẽ; làm tường rào, lấp kín những ao, hố nước không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước trong gia đình.

"Cha mẹ cần cho trẻ học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cần giáo dục cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, ao, hồ mà không có sự giám sát của người lớn", ông Quân nói.

Với nhà trường nên dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước. Chính quyền địa phương cần rà soát lại tất cả các điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước ở trẻ em; tuyên truyền, giám sát và cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Tại huyện Gia Lộc, mô hình cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước được Đoàn Thanh niên thực hiện rất tốt. Đây cũng là giải pháp tốt để các địa phương trong tỉnh áp dụng.

Xem clip

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Trẻ em bị đuối nước, làm sao tránh?