Quảng bá văn hóa thời dịch

26/06/2021 06:36

Những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa đã nhanh nhạy đổi mới cách quảng bá hình ảnh và hoạt động để thích ứng với tình hình dịch Covid-19.


Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có nhiều hoạt động quảng bá về sản phẩm trà sen Kiếp Bạc

Gần hai năm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa buộc phải có những thay đổi để thích ứng, trong đó có quảng bá hình ảnh, hoạt động.

Thay đổi cách thức truyền thông

Các khu di tích phải đóng cửa, những mùa lễ hội vắng lặng, nhiều chương trình biểu diễn, trưng bày, triển lãm nghệ thuật bị hủy hoặc hoãn… là bức tranh ảm đạm mà ngành văn hóa phải đối mặt trong gần hai năm qua. Không chịu “nằm im”, một số đơn vị đã tích cực thay đổi công tác tuyên truyền.

Triển lãm chuyên đề “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp: Ngày hội toàn dân” tại Bảo tàng tỉnh vừa được khai mạc thì dịch Covid -19 lần thứ 4 ập tới. Người dân chưa kịp đến tham quan, tìm hiểu thì Bảo tàng tỉnh đã phải đóng cửa. Đây là triển lãm có ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền về ngày hội toàn dân nên việc nhân dân không đến tham quan triển lãm làm Ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh trăn trở.

Nắm bắt kịp thời tâm lý và nhu cầu của công chúng, Bảo tàng tỉnh đã dựng video giới thiệu về triển lãm để phục vụ quảng bá, tuyên truyền. Đây không phải lần đầu đơn vị dựng video tuyên truyền nhưng lần này có tính thời sự, kịp thời, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh dịch bệnh.

Liên tiếp 5 video được dựng theo lộ trình từ tổng quát đến chi tiết từng chủ đề, giúp người xem thấy được không gian trưng bày, sự phong phú của các tài liệu, hiện vật, hình ảnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Qua đó giúp người xem hiểu được vai trò của Quốc hội, sự lớn mạnh của HĐND tỉnh qua các giai đoạn xây dựng và phát triển. Khi lần lượt đăng tải trên website, Facebook, Zalo, các video đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng thông qua số lượt tương tác và chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết hiệu ứng tích cực từ hoạt động này cho thấy Bảo tàng tỉnh đã đi đúng hướng để các hoạt động không chỉ giới hạn trong một không gian trưng bày mà còn tạo nên sức sống mới cho đơn vị trong những ngày phải đóng cửa vì dịch. “Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quảng bá hình ảnh để không bị lãng quên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành”, bà Huê nói.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng là đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên các kênh thông tin, đặc biệt là trang tin điện tử và fanpage của di tích. Hoạt động này được đẩy mạnh trong thời gian dịch bệnh và giúp du khách thường xuyên được cập nhật thông tin về thời gian đóng, mở cửa; chấp hành các biện pháp phòng chống dịch ở di tích cũng như các hoạt động về cải tạo cảnh quan, quảng bá sản phẩm du lịch… Dù trong bối cảnh dịch nhưng sản phẩm trà sen Kiếp Bạc của khu di tích vẫn tiếp cận được với đông đảo khách hàng.


Bảo tàng tỉnh dựng video tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để đăng tải trên website, Facebook, Zalo

Sớm tạo dựng thương hiệu

Thực tế không phải đợi dịch bệnh thì việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên truyền thông, mạng xã hội mới cần thiết mà hình thức này đã trở thành xu thế trong bối cảnh hiện nay. Ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hình thức tuyên truyền đóng vai trò quan trọng với tất cả các lĩnh vực, mà lĩnh vực văn hóa lại càng cần thiết.

Nhiều đoàn nghệ thuật, khu di tích, bảo tàng, thư viện… của trung ương hay các địa phương đã thay đổi bằng cách tăng cường quảng bá hình ảnh, hoạt động trên các trang mạng xã hội hoặc thông qua mạng xã hội chuyển tải những thông điệp văn hóa, tạo được sự tương tác tích cực với cộng đồng. Tuy nhiên, ở Hải Dương vấn đề này chưa thực sự được chú trọng. Bên cạnh số ít đơn vị quan tâm thì nhiều nơi phó mặc, không được mở cửa hoạt động đồng nghĩa với việc nằm im chờ dịch đi qua. Ngay cả những đơn vị, địa phương sở hữu số di tích, danh thắng phong phú nhưng không hề có hoạt động quảng bá hay nhân cơ hội tạo dựng thương hiệu. Một số đơn vị có đầu tư nhưng kiểu “cho có”, chưa chú trọng đến chất lượng.

Thiết nghĩ đã đến lúc ngành văn hóa cần đổi mới công tác tuyên truyền, đội ngũ làm văn hóa không ngừng nỗ lực để có những hoạt động quảng bá phong phú, góp phần lan tỏa, phát huy và nâng tầm các giá trị văn hóa của Hải Dương.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng bá văn hóa thời dịch