Du học: Vì sao hội đồng xét học bổng quan tâm sở thích của ứng viên?

05/05/2021 15:42

Trước hết, họ muốn chắc chắn rằng bạn là một học sinh phát triển toàn diện, biết quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.


Bên trong Trường Đại học George Mason (Virginia, Mỹ)

Sở thích bao gồm hoạt động tinh thần và thể chất giúp chúng ta duy trì một lối sống cân bằng và lành mạnh. Mọi sự sáng tạo đều bắt nguồn từ nền tảng này.

Thể hiện tính cách và bản sắc cá nhân

Hoạt động ngoại khóa thể hiện một phần tính cách và bản sắc cá nhân bạn. Thông qua những gì bạn thể hiện, hội đồng xét tuyển sẽ nhận ra được một phần bản sắc của bạn: bạn đam mê điều gì, bạn đã tận tâm với đam mê đó ra sao, bạn học được gì và phát triển được gì từ những đam mê đó.

Ngoài những kiến thức hàn lâm bạn học được trong trường, việc theo đuổi sở thích giúp bạn hoàn thiện những kỹ năng mềm, cung cấp cho bạn những trải nghiệm thức tế, bù đắp vào những phần thiếu hụt mà sách vở, thầy cô không thể dạy hết cho bạn. Ví dụ, đọc nhiều sách văn học có thể giúp bạn tăng thêm sự thấu cảm, biết quản lý cảm xúc (EQ) tốt hơn. Hoạt động trong ban điều hành của CLB Đọc sách dạy cho bạn những kỹ năng quản lý đầu đời...

Chính vì vậy, khi nói về sở thích, bạn hãy làm rõ sở thích của bạn là gì, bạn đã nuôi dưỡng sở thích đó ra sao. Đừng nói trong lúc rảnh rỗi tôi thích đọc sách. Hãy nói cụ thể là bạn thích đọc sách thể loại gì, bạn hiểu biết về nó đến đâu. Nếu chỉ là đọc sách chung chung thì "xoàng" quá.

Đừng nói tôi thích đá bóng, hãy nói tôi đá bóng thường xuyên thế nào, tôi đã tham gia vào đội bóng nào, thi đấu ở những giải nào. Lâu lâu mới thò chân ra sân bóng một lần, thực sự không nên và không đáng để đề cập. 

Nhiều lợi ích từ nuôi dưỡng sở thích

Hoạt động ngoại khóa là một phần không thể thiếu trong bất cứ bộ hồ sơ du học nào, kể cả khi ứng viên có ý định xin học bổng hay không.

Hoạt động ngoại khóa bao giờ cũng bắt đầu từ những sở thích, mối quan tâm của bạn. Từ điển Cambridge định nghĩa "sở thích" là một hoạt động được thực hiện thường xuyên trong thời gian rảnh rỗi để giải trí. Chúng có thể là hoạt động thể chất như làm vườn, chơi thể thao, vận động, cũng có thể là các hoạt động tinh thần như đọc sách, chơi cờ, vẽ, chụp ảnh, chơi nhạc...

Các nhà khoa học thần kinh đều đồng ý rằng các hoạt động thể chất và tinh thần đều giúp nâng cao hoạt động trí óc. Theo tạp chí Harvard Health, vận động thể chất giúp tăng cường trí nhớ và tư duy thông qua cả phương tiện trực tiếp và gián tiếp.

Các hoạt động thể chất giúp chúng ta tăng cường sức khỏe, đồng thời kích thích giải phóng các yếu tố tăng trưởng, các hóa chất trong não làm tăng cường tế bào não, phát triển của các mạch máu mới trong não và thậm chí là sản sinh các tế bào não mới.

Một cách gián tiếp, vận động thể chất giúp cải thiện tâm trạng và giấc ngủ, đồng thời giảm căng thẳng và lo lắng, là những yếu tố dẫn đến suy giảm nhận thức. Nói tóm lại, những sở thích có thể giúp chúng ta không chỉ thư giãn mà còn trở nên thông minh hơn, khôn ngoan hơn và kiên cường hơn trong cuộc sống đầy lo âu và bận rộn này.

5 loại hoạt động ngoại khóa/sở thích nên thể hiện trong hồ sơ

Hoạt động nuôi dưỡng sở thích: Bạn tham gia vào các câu lạc bộ nào (cờ, nhạc, thể thao, vẽ, đọc sách), hãy liệt kê một cách có hệ thống và thể hiện được sự phát triển theo năm tháng.

Hoạt động có ảnh hưởng tới xã hội: Gây quỹ từ thiện, hoạt động vì cộng đồng... hãy cho thấy bạn là một người cống hiến cho xã hội và muốn tạo ra sự thay đổi và làm xã hội tốt đẹp hơn.

Hoạt động có tính lãnh đạo: Thể hiện được tính lãnh đạo của bạn; không nhất thiết bạn phải là chủ tịch một CLB nào đó mà chỉ cần bạn là người khởi xướng và tiến hành được 1 hoạt động cùng 1 nhóm nhỏ là ổn.

Tài lẻ, đam mê: Hãy nâng tầm sở thích thành tài lẻ, đam mê, thành một giá trị riêng biệt của cá nhân bạn.

Các hoạt động văn thể mỹ nói chung: Nếu không có gì vượt trội, bạn vẫn nên dành một dòng cho những hoạt động này.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du học: Vì sao hội đồng xét học bổng quan tâm sở thích của ứng viên?