Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao?

09/05/2021 08:54

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi năm học đang kết thúc, nhiều địa phương trong cả nước đã có những phương án tổ chức cho học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập, chuẩn bị thi cuối cấp.

Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngoài phương án ôn tập trực tuyến, cũng có trường bàn đến chuyện giãn cách giữa các phòng học cho học sinh.

Ôn theo nhiều hình thức

Ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Học sinh lớp 9 ở quận Tân Bình đã hoàn tất kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 từ ngày 29.4. Tuần lễ từ 3 đến 8.5, các em được học trực tiếp với giáo viên để hoàn thành chương trình lớp 9. 

Như vậy, công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 sẽ bắt đầu từ 10.5. Hầu hết các trường THCS ở quận Tân Bình đều chọn hình thức ôn tập trên Internet thông qua nhiều hình thức như gửi clip, giao bài tập, giải đáp thắc mắc trực tuyến...".

Trong khi đó, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP Hồ Chí Minh) cho hay: "Trường chúng tôi đã lên hai phương án để ôn tập trực tiếp cho học sinh khối 12. 

Một là tách lớp, hai là vẫn để học sinh học theo lớp cũ nhưng cách phòng. Tức là một phòng học đến một phòng trống rồi lại đến một phòng học. Trường ưu tiên chọn phương án 2 vì không bị động về giáo viên đứng lớp".

Còn cô H. - giáo viên môn văn ở quận Bình Thạnh đề nghị: "Năm học trước chúng tôi đã rất bất ngờ khi học sinh chỉ học trực tiếp trong sáu tuần là kết thúc học kỳ 2. Năm học này cả giáo viên và học sinh cùng chạy đua với thời gian để có thể hoàn tất đợt kiểm tra học kỳ, có lớp học sinh phải làm bài kiểm tra ba môn/buổi. 

Xong kiểm tra rồi tiếp tục ôn thi trong bối cảnh rất đặc biệt. Học - ôn - thi đều trong tình trạng chạy đua với thời gian thì rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh nên xem xét đến yếu tố này để ra đề thi tuyển sinh lớp 10".

Tương tự, nhiều giáo viên THPT ở TP Hồ Chí Minh mong muốn có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng và vừa sức. 

"Nếu được thì Bộ GDĐT nên hạn chế phần kiến thức thuộc khối 10 và khối 11 mà chỉ nên tập trung vào phần kiến thức khối 12. Với tình hình như hiện nay, e rằng học sinh sẽ khó mà ôn hết chương trình như yêu cầu" - một giáo viên môn vật lý ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Các trường THCS, THPT nên đa dạng hóa hình thức ôn tập cho học sinh như ôn trực tiếp, ôn từ xa bằng cách giao bài tập, giải đáp thắc mắc... 

Đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ giữ sự ổn định về cấu trúc, định dạng đề. Tuy nhiên, khi biên soạn đề, sở sẽ cân nhắc về số lượng câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao, độ khó của những câu hỏi này cho phù hợp với tình hình dạy - học của năm nay".

Các trường phía Bắc lo thu xếp

Tại Yên Bái, mặc dù chỉ có bốn huyện, thị xã và thành phố phải cho học sinh nghỉ học nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GDĐT tỉnh này, sở đã xây dựng sáu tình huống tương ứng với các mốc thời gian khác nhau để dự phòng học sinh có thể nghỉ học dài hơn 1-2 tuần.

Trong đó có tình huống học sinh một số nơi phải tạm dừng đến trường hết tháng 5. Trong tình huống đó, lịch kết thúc năm học và các nội dung quan trọng như thi cử, tuyển sinh sẽ phải có sự thay đổi. 

Yên Bái là tỉnh khó khăn nên nhiều nơi học sinh không có điều kiện học trực tuyến, Sở GDĐT phải chỉ đạo linh hoạt áp dụng nhiều hình thức hướng dẫn học tập, ôn luyện từ xa.

Theo ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông Sở GDĐT Vĩnh Phúc, hiện học sinh các cấp đang tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Sở đã hướng dẫn các trường hoàn thành chương trình trước 25-5 và vẫn kết thúc năm học trước 31.5. 

Vì thế đối với học sinh cuối cấp sẽ thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn này sẽ vừa học kiến thức mới để chạy hết chương trình vừa ôn tập. 

Tuy nhiên, theo ông Mừng, để việc ôn tập với hình thức hướng dẫn từ xa hay trực tuyến có hiệu quả, các nhà trường rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc cùng giám sát, đôn đốc học sinh.

Chia sẻ về "nhiệm vụ kép" trong thời gian này, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) cho biết: 

"Đối với học sinh lớp 12, trường chỉ đạo giáo viên tăng cường giao đề thi có mức tương đương với đề thi tham khảo của Bộ GDĐT hoặc đề thi tốt nghiệp các năm trước để học sinh ôn luyện, rèn kỹ năng làm bài trong thời gian này. 

Nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể trở lại trường, trường sẽ tiếp tục vừa dạy học trực tuyến vừa dạy học qua truyền hình, kết hợp hướng dẫn học sinh ôn tập qua các ứng dụng Zalo, Facebook...".

Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP Hồ Chí Minh) làm bài kiểm tra học kỳ 2 trước khi nghỉ tránh dịch COVID-19, sáng 6.5 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cố gắng giữ ổn định

Tại Hà Nội, phần lớn các trường THPT đã hoàn thành kiểm tra học kỳ 2 tất cả các môn học. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, hiện học sinh lớp 12 chỉ còn vài môn chưa kết thúc chương trình học. 

Các môn học đều đã tổ chức kiểm tra học kỳ 2. Cho dù không xảy ra tình trạng dừng đến trường vì COVID-19 thì trường vẫn phải chủ động sắp xếp để học sinh hoàn thành chương trình dần ở các môn học vào hai tuần đầu tháng 5 để có thời gian cho học sinh ôn tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Tuy vậy, Hà Nội cũng còn nhiều trường THCS, THPT chưa kịp hoàn thành việc kiểm tra định kỳ cuối năm. "Nếu học sinh phải dừng đến trường khoảng hai tuần, lịch kiểm tra, kết thúc năm học sẽ có xáo trộn" - lãnh đạo một trường THCS tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết.

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT cho biết thông tư 09/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ tháng 5.2021. 

Thông tư này cho phép các trường trong trường hợp bất khả kháng có thể tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ (giữa, cuối học kỳ 1, học kỳ 2) bằng hình thức trực tuyến.

"Trong trường hợp này, hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình về chất lượng kiểm tra. Trong đó phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giám sát việc kiểm tra qua hình thức trực tuyến một cách khách quan, minh bạch" - ông Thành cho biết. 

Như vậy nếu nghỉ do COVID-19 phải kéo dài, dẫn tới không kịp thời gian để thực hiện nhiều nội dung công việc kết thúc năm học, các trường có thể kiểm tra định kỳ trực tuyến.

Bộ cũng khẳng định các trường được chủ động chọn hình thức kiểm tra định kỳ phù hợp với tình huống cụ thể.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao?