Làm gì để trường học là ngôi nhà an toàn thứ hai cho học sinh?

10/01/2021 07:31

Công tác an ninh, an toàn trường học đóng vai trò quan trọng, có thể coi là điều kiện tiên quyết để mang đến cho học sinh môi trường học tập lành mạnh, an toàn, thân thiện.


Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh) trong một chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống xâm hại

An toàn từ bên trong

Trường học được xem là ngôi nhà thứ hai của mỗi học sinh. Khi gửi gắm con em mình vào trường, phụ huynh tin rằng, môi trường học đường là an toàn, lành mạnh và hạnh phúc nhất. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch GD của các nhà trường.

Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh, các trường  thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Thành lập Ban an toàn, an ninh trường học; ban hành quy tắc ứng xử văn hoá, quy trình tiếp dân chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho học sinh và cả giáo viên. Bên cạnh đó, các trường  chú trọng đến công tác tư vấn tâm lý học đường, tăng cường sự gắn kết, phối hợp với phụ huynh để cùng giáo dục học sinh…

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nhấn mạnh: Mỗi  trường học có hàng nghìn học sinh, để các em yên tâm học tập, vui chơi, khoẻ về mặt thể chất, tinh thần, được phát triển toàn diện…  thì yếu tố an toàn là ưu tiên hàng đầu, từ công tác phòng chống cháy nổ, cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm… trong đó có cả phòng  xung đột, bạo lực học đường. Trường học phải ưu tiên phòng hơn chống - đừng để khi xảy ra mới vào cuộc.

Theo thầy Phú, song song với việc dạy kiến thức, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh rất quan trọng, nhất là những tình huống cụ thể trong giao tiếp, mối quan hệ bạn bè, hay với thầy cô, gia đình… Đây là sự chuẩn bị cần thiết để các em biết cách ứng xử, xử lý phù hợp, văn minh. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cho học sinh tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao,  câu lạc bộ năng khiếu, học thuật…  để tăng cường sự gắn kết sở thích, đam mê.

Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm đến công tác tư vấn học đường - đây là nơi để các em tin tưởng, chia sẻ và cùng tìm ra hướng giải quyết để những va chạm nhỏ, những vấn đề còn vướng mắc… được hoá giải. Trường cũng gắn kết rất chặt chẽ với phụ huynh học sinh qua nhiều kênh, tăng cường công tác dân chủ, tổ chức đối thoại với học sinh, phụ huynh để lắng nghe những tâm tư, tình cảm, những gửi gắm, những trao đổi để cùng phát triển nhà trường.

Ông Lý Đức Thanh (Trung tâm Kỹ năng sống Tinh Anh Việt, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Nhiều trường xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong môi trường học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh cụ thể, rõ ràng. Quy trì tiếp dân phù hợp và thống nhất trong nhà trường. Ví dụ, phụ huynh vào làm việc với bảo vệ, xuất trình giấy tờ, sẽ được hướng dẫn vào phòng chờ, liên hệ với ban giám hiệu để thông báo, sau đó sẽ được ban giám hiệu hướng dẫn… Đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc làm việc giữa ba bên, lắng nghe, trao đổi, hướng xử lý (nếu có) vấn đề giữ xảy ra gây bức xúc cho phụ huynh. 

Các giải pháp đồng bộ

Theo ông Lý Đức Thanh, giáo dục kỹ năng ứng phó với các tình huống cho học sinh là vấn đề quan trọng. Trước một tình huống, học sinh biết cách xử lý phù hợp  là một thành công. Nhưng để rèn kỹ năng, không phải chỉ qua một chuyên đề, buổi trò chuyện mà cần cả một quá trình, phải  thực hiện bài bản, đặt vào những tình huống giả định, lồng ghép vào các hoạt động để các em hiểu và nắm rõ.

“Khi  bạn A và B lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, bạn A đã nhắn tin riêng, hẹn gặp ở ngoài cổng trường “trò chuyện” rõ ràng, bạn B sẽ xử sự như thế nào?. Trường hợp hai bạn Q - M cãi nhau, hùng hồ muốn xông vào ăn thua trong lớp học, các em sẽ xử trí ra sao trong trường hợp này?...”.

Ông Lý Đức Thanh cho rằng: Ở lứa tuổi học trò, va chạm là chuyện rất bình thường, vì thay đổi về tâm sinh lý, nhiều em thích thể hiện bản thân hoặc chưa kiềm chế được cảm xúc…  Việc định hướng để các em “hoá giải” những chuyện này cho thấy vai trò quan trọng của gia đình, nhà trường.

Theo ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng phòng Truyền thông, tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, bên cạnh giáo dục kỹ năng ứng phó, kỹ năng sống, kỹ năng mềm… cho học sinh, giáo viên cũng cần được tham gia các chuyên đề, bồi dưỡng kỹ năng để xử lý các tình huống có thể xảy ra trong học đường, từ nghệ thuật giao tiếp, ứng xử mạng xã hội, kiểm soát cảm xúc, xử lý tình huống…

Ông Nguyễn Việt Thái nhấn mạnh: Học sinh cần được học tập kỹ năng nhưng tăng cường sự trải nghiệm, tránh nói suông, nặng về lý thuyết. Phụ huynh, giáo viên cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ, góp ý…

Liên quan đến công tác  bảo đảm an ninh, an toàn trường học, thầy Huỳnh Thanh Phú nêu quan điểm: Ngoài  nỗ lực từ bên trong của nhà trường, cũng cần có sự chung tay, quan tâm từ nhiều phía. Thầy Phú kiến nghị: Cơ quan chức năng có thể xem xét phương án, bao nhiêu học sinh  cần một bảo vệ trường học. Bảo vệ trường học cần đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn, sức khoẻ… và sống được bằng mức lương. Hoặc nếu được có thể cho phép nhà trường sử dụng nguồn xã hội hoá để tăng cường công tác này, hỗ trợ thêm cho bảo vệ trường học.

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để trường học là ngôi nhà an toàn thứ hai cho học sinh?