Tuyển sinh Đại học 2021 chú trọng đánh giá năng lực

21/03/2021 11:11

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2021 có những nét mới khi một số trường đại học lớn kiện toàn bài thi riêng nhằm tiệm cận sâu năng lực thí sinh.


ĐH Quốc gia Hà Nội thử nghiệm đề thi đánh giá năng lực

Đảm bảo tính công bằng, khách quan  

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực tiếp cập theo hướng phi truyền thống (học và thi theo khối hay tổ hợp) nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT đang theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ (ban hành 2006) và tiếp nối chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018). Do đó, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như giai đoạn 2015 - 2016.

Hình thức thi vẫn là thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn 1 trong 4 đáp án) và câu hỏi điền đáp án, thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150 điểm.  

PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Năm 2021, việc chấm điểm thực hiện theo quy trình: Câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai không tính điểm. Thí sinh biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi, tra cứu kết quả thi trên cổng: www.khaothi.vnu. edu.vn. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi”.

Nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Khi thí sinh làm xong bài thi sẽ biết điểm ngay. Nhưng điểm đó vẫn là điểm tạm thời trên hệ thống. Sau đó, chúng tôi có những hậu kiểm như: Thí sinh có vi phạm gì không, việc sai sót trừ điểm thế nào... Sau 14 ngày thí sinh mới biết kết quả chính thức”.  

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì cho biết: "Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Bài thi chỉ có một số lượng nhỏ các câu hỏi kiểm tra kiến thức. Tất cả các câu hỏi này đã được rà soát để bảo đảm không hỏi về những kiến thức đã được giảm tải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Băn khoăn về tính khách quan của kỳ thi này, cô Đoàn Kim Dung, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết: “Trước đây, trường tổ chức thi đánh giá năng lực cho học sinh lớp 12 trên phần mềm 789.vn. Phần mềm này có những biện pháp chống gian lận nhưng nhận thấy học sinh vẫn có thể tra tài liệu. Tôi từng băn khoăn về tính khách quan của kỳ thi riêng. Nhưng khi biết, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại địa điểm nhất định, học sinh đến làm bài trên máy tính, có giám sát là chúng tôi yên tâm”.  

Còn cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Thực tế, học sinh Hà Nội đã được làm quen với những kỳ thi chung trên máy tính. Ở trường, các em cũng làm quen với trắc nghiệm khách quan, bài thi trắc nghiệm trên máy tính, máy chấm điểm, có sự giám sát của thầy cô. Bởi vậy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về tính công bằng, khách quan”.  

Thí sinh phải biết thực tiễn, ứng dụng trong đời sống  

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức tại Hà Nội và chia làm 6 đợt thi trong năm 2021. Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng các kịch bản trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội do dịch COVID-19 để các đợt thi diễn ra phù hợp với lịch trình, phù hợp với đơn vị.  

Còn TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: “Kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt (trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT) ở 7 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Nha Trang, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột. Trong đó, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột là hai địa điểm thi mới. Năm ngoái có hơn 70 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển”. 

Đến nay, hai đại học quốc gia đều công bố đề thi tham khảo. Đánh giá ban đầu cho thấy, đề thi tiệm cận với năng lực thí sinh, đánh giá năng lực một cách toàn diện học sinh. Đây cũng là mục tiêu đào tạo nhân lực mà ngành giáo dục đang hướng tới.  

Cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết: “Các tổ chuyên môn có những đánh giá, nhận định về đề thi này. Khi tôi hỏi giáo viên dạy hoá, cô nói đề thi không có vấn đề gì đánh đố. Nhưng với đề thi như vậy, học sinh ngoài học kiến thức ở nhà trường, các em còn phải hiểu biết một số vấn đề trong cuộc sống, xã hội”.  

Còn cô Đoàn Kim Dung nhận định: “Bài thi đánh giá năng lực không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá năng lực toàn diện học sinh. Tôi rất thích dạng đề này vì tính giáo dục toàn diện con người được thể hiện ở đây”.  

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, Trung tâm Học mãi cho rằng: “Câu hỏi trong đề không sắp xếp từ dễ đến khó, bài thi dàn trải qua nhiều phân môn. Do đó học sinh phải có kỹ năng, kinh nghiệm làm bài thì mới phát huy được khả năng. Đề hay và khó không dành cho những học sinh lười, học vẹt, học tủ, xứng đáng là đề thi đại học. Tiếc là số lượng câu hỏi cho từng môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hơi ít. Nếu để tuyển sinh cho từng ngành đặc thù thì nên có thêm bài thi riêng của môn thành phần với số lượng câu hỏi nhiều hơn để chọn được thí sinh có năng lực chuyên biệt với môn học tốt hơn nữa”.  

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh Đại học 2021 chú trọng đánh giá năng lực