Ưu tiên xét tuyển chứng chỉ IELTS có bất công với thí sinh nông thôn?

29/03/2021 09:11

Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành lợi thế của một nhóm thí sinh trong cuộc đua vào đại học. Xét về điều kiện tiếp cận những chứng chỉ này, thí sinh nông thôn ở thế bất lợi.

Khoảng 30 trường đại học lớn của cả nước ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc đưa chứng chỉ ngoại ngữ thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp. Điều này đã chứng minh chứng chỉ này là một lợi thế trong cuộc đua vào đại học.

Nhưng để luyện và thi IELTS cần chi phí không nhỏ, đòi hỏi điều kiện ôn luyện nhất định. Vấn đề được đặt ra, liệu ưu tiên những thí sinh có chứng chỉ này có trở thành điều bất công với phần còn lại?

uu tien xet tuyen chung chi ngoai ngu anh 1

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con ôn luyện, thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Ảnh minh họa: Trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội

Cuộc chạy đua lấy chứng chỉ IELTS

Việc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được đánh giá cao hơn phần còn lại, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội, là điều bất công với thí sinh nông thôn.

Ông cho rằng học sinh ôn luyện tiếng Anh là tốt, các trường đại học yêu cầu năng lực ngoại ngữ ở thí sinh là bình thường, nhưng chạy đua ôn luyện chứng chỉ thì không nên.

"Rất nhiều phụ huynh cho con tham gia cuộc đua luyện thi TOEFL, IELTS từ rất sớm để có chứng chỉ được ưu tiên xét tuyển lớp 10, đại học. Dĩ nhiên, điều này cũng có mặt tích cực nhưng cái gì làm quá cũng sẽ trở nên méo mó", thầy Ngọc đánh giá.

Thầy giáo này cho biết có những học sinh ở các tỉnh lân cận Hà Nội, hàng tuần, gia đình vẫn phải thuê taxi cho các em lên trung tâm tiếng Anh ôn thi IELTS, để được học giáo viên bản ngữ. Đó là những gia đình có điều kiện. Còn những gia đình không có điều kiện thì sao? Trong khi đó, riêng lệ phí thi IELTS đã là gần 5 triệu đồng/lần thi (theo công bố của Hội đồng Anh - British Council).

"Tôi nghĩ các trường đại học tuyển sinh dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cần có sự tính toán chi tiết để không cản trở, hạn chế cơ hội của nhóm yếu thế hơn trong xã hội”, thầy Ngọc nêu ý kiến.

Cũng theo giáo viên này, một số chương trình, ngành học có thể cần thí sinh phải có năng lực tiếng Anh ở mức độ nhất định. Nhưng thay vì chọn xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh. Như vậy, các em sẽ có một thước đo ngoại ngữ bằng một kỳ thi chung mà không tốn kém như thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

"Chúng ta biết rằng phí thi IELTS khá đắt so với mặt chung của nhiều gia đình có con đang đi học ở Việt Nam, chưa kể chi phí ôn luyện. Phương án một kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh để thay cho các chứng chỉ này dành cho số đông thí sinh có thể tham gia, tôi nghĩ hợp lý hơn", thầy Ngọc đề xuất.

uu tien xet tuyen chung chi ngoai ngu anh 2

Thầy Vũ Khắc Ngọc lo ngại cuộc chạy đua, thần thánh hóa các chứng chỉ tiếng Anh trong học sinh hiện nay. Ảnh minh họa: British Council

"Không thể nói khó khăn để cào bằng tất cả"

Việc lựa chọn chứng chỉ TOEFL, IELTS để ưu tiên xét tuyển được nhiều trường lý giải đây là các chứng chỉ quốc tế rất đáng tin cậy. Mặt khác, chỉ tiêu dành cho những đối tượng này không nhiều để trở thành mối lo ngại với phần đông thí sinh.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một trong những trường ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Các ngành đại trà hoặc chất lượng cao ưu tiên xét tuyển thí sinh điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 6,0 trở lên, IELTS từ 5.0 trở lên.

Riêng ngành sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh, điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 6,0 trở lên, IELTS từ 6.0 trở lên.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đánh giá việc ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ phần nào đó bất công với thí sinh nông thôn. Tuy nhiên, chỉ tiêu dành cho diện này rất ít, như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chỉ dành tối đa 5-10% chỉ tiêu mỗi ngành. Thực tế, số thí sinh nhập học bằng diện này chỉ 0,5% chỉ tiêu, một số ngành chỉ có 1-2 thí sinh nhập học.

"Mặt khác, những thí sinh đăng ký diện này thường chọn chương trình học chất lượng cao, chương trình tiên tiến dạy học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết", PGS Dũng nói.

Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là trường dành tối đa 35% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng. Trong đó, có diện xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5.0 trở lên và phải có điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ II lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên.

Ở góc nhìn khác, PGS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, không cho rằng đây là sự bất công với thí sinh nông thôn.

"Thí sinh nông thôn khó khăn nhưng không thể vì thế mà chúng ta không chọn lọc, khuyến khích những người giỏi, thực sự xứng đáng. Không thể vì nghèo, khó khăn mà cào bằng tất cả. Tôi không nghĩ điều đó là khó khăn, hạn chế cho thí sinh nông thôn. Các bạn vẫn có thể vào trường bằng phương thức khác", ông Hải nói.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không chỉ sinh viên cần biết ngoại ngữ, mà bất cứ ai có ngoại ngữ đều là một lợi thế, nhất là tiếng Anh. Ông Hải lấy ví dụ chính các giảng viên của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cũng phải được chọn lọc để tham gia các hội thảo quốc tế, các khóa học, mà yếu tố chọn lọc đôi khi là ngoại ngữ.

"Phải thừa nhận vấn đề này có 2 mặt. Chúng ta lựa chọn phương án nào để hướng đến sự phát triển, phù hợp bối cảnh chung, chứ không thể cứ chấp nhận thực tại để rồi ù lì mãi", ông Hải nêu quan điểm.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên xét tuyển chứng chỉ IELTS có bất công với thí sinh nông thôn?