Đại học Việt Nam đứng ở đâu trên thế giới?

12/08/2022 14:38

Trong 5 năm, thứ hạng và số đại học Việt Nam vào top thế giới được cải thiện, nhưng theo chuyên gia, điều này không đại diện cho chất lượng chung của các trường.

Theo báo cáo nghiên cứu giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, từ năm 2005, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh, nhất là khu vực tư nhân. Hiện, Việt Nam có khoảng 650 cơ sở đại học, trong đó một phần ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, còn lại là các trường kỹ thuật và nghề thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Với nhóm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong giai đoạn 2015-2020, số trường đại học dao động 223-242, trong đó 163-176 trường công lập (chiếm hơn 70%), còn lại 60-66 trường ngoài công lập.

Giai đoạn 2010-2019, mỗi năm trung bình có khoảng 300.000 sinh viên đại học tốt nghiệp. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá ở một số ngành của các trường trọng điểm như hai Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... trình độ của sinh viên tốt nghiệp đã tiệm cận với các đại học trong khu vực.

Đi cùng với sự chuyển biến của số sinh viên và trường đại học, thành tích và số lượng đại học Việt Nam góp mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có sự cải thiện.

Với bảng xếp hạng của QS (Quacquarelli Symonds), tổ chức xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, 2019 là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện góp mặt. Hai Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lần lượt thuộc hạng 801-1.000 và 701-750 thế giới. Đến năm 2020, thêm trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng, giữ vị trí 1.001+. Hai trường quốc gia không thay đổi thứ hạng.

Ba năm tiếp theo, Việt Nam có thêm trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Duy Tân, nâng tổng số trường được xếp hạng lên 5. Trong đó, tại bảng xếp hạng năm 2023 (được công bố tháng 6.2022), ba trường cùng đứng hạng 801-1.000 là Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Quốc gia Hà Nội, Duy Tân; Tôn Đức Thắng hạng 1.001-1.200 và Bách khoa Hà Nội 1.201-1.400.

Còn tại bảng xếp hạng THE (Times Higher Education), Việt Nam mới có đại diện từ năm 2020, gồm Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội (cùng hạng 801-1.000) và Quốc gia TP Hồ Chí Minh (1.000+), nhưng cũng nhanh chóng đuổi kịp số lượng trường (5) xuất hiện trong bảng của QS.

Năm 2022, năm đại học được THE xếp hạng, trong đó hai trường ngoài công lập là Tôn Đức Thắng, Duy Tân giữ hạng 401-500, vị trí cao nhất của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế. Các trường Bách khoa Hà Nội, Quốc gia TP Hồ Chí Minh hạng 1.201+, Quốc gia Hà Nội 1.001-1.200, riêng Đại học Đà Nẵng được báo cáo nhưng chưa được xếp hạng. Hiện, THE chưa công bố bảng xếp hạng năm 2023.

Theo TS Lê Đông Phương, cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc ngày càng nhiều đại học Việt Nam góp mặt trong các bảng xếp hạng thế giới là một chuyển biến tích cực, nhưng không nên coi đây là biển hiện cho chất lượng tổng thể của các trường.

Từng giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của Viện Khoa học giáo dục, ông Phương lưu ý rằng QS và THE là những bảng xếp hạng thương mại, các trường đại học muốn được xếp hạng cần đóng phí và cung cấp dữ liệu cho hai tổ chức này. Điều này lý giải vì sao chỉ có một vài trường xuất hiện. "Không phải đại học nào cũng có kinh phí cho việc này, hoặc kể cả đăng ký tham gia và gửi dữ liệu, một số trường không vào nhóm được xếp hạng nên vẫn không có tên", ông Phương nói.

Theo ông, việc có thêm đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới phần nào nói lên hai xu hướng: số lượng trường quan tâm đến thứ hạng quốc tế tăng dần và chất lượng đại học cũng phần nào có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "mỗi bảng xếp hạng có tiêu chuẩn và trọng số riêng cho từng yếu tố đánh giá, do đó không thể đánh đồng các bảng khác nhau, hoặc coi đây là đại diện cho chất lượng tổng thể của các trường".

Để giải thích quan điểm trên, ông Phương cho biết các bảng xếp hạng nói chung (gồm cả QS và THE) đều dành sự quan tâm cho số lượng trích dẫn, bài báo quốc tế của một trường đại học, nhưng lại không công bố ai là người thực hiện đánh giá đó. Chẳng hạn, đánh giá của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động về chất lượng, trình độ sinh viên tốt nghiệp từ các đại học cũng quan trọng, nhưng không được khảo sát. Tương tự, việc người học được học gì tại trường cũng không được thể hiện tại kết quả xếp hạng.

"Nếu đánh giá ở góc độ nghiên cứu, QS và THE có thể giúp người đọc nhận thức được vị trí của các trường được xếp hạng trong hệ thống giáo dục Việt Nam, cũng như có thể so sánh một cách tương đối với quốc tế. Còn để nói về hoạt động đào tạo - nhiệm vụ chính của các trường - thì hơi khó", ông Phương nhận định.

Chưa kể, nếu so sánh với các trường trong khu vực, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam vẫn tụt hậu. Khi Việt Nam mới có hai đại diện thuộc top 1.000 trong bảng xếp hạng QS và THE, Indonesia đã có 9 và 3 trường, Thái Lan 8 và 5. Malaysia và Philippines đều có số lượng trường được xếp hạng nhiều hơn Việt Nam.

TS Phương cũng chỉ ra hoạt động nghiên cứu trong các đại học Việt Nam tụt hậu. Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010-2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10-71 của Indonesia, 140-212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092-4.813 của Thuỵ Sĩ - quốc gia đứng đầu danh sách.

Xét số bằng sáng chế trên một triệu dân, Việt Nam đạt 1,24, trong khi Philippines 1,35, Indonesia 1,67, Thái Lan 3,16, Malaysia 30.

Vì vậy, với các thí sinh đang đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay, ông Phương cho rằng, ngoài thứ hạng, cần đánh giá trường đại học dựa trên một số yếu tố khác và nên "chọn ngành, không chọn trường".

"Các bạn còn cần căn cứ vào đánh giá của sinh viên, cựu sinh viên và cả doanh nghiệp", ông nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại học Việt Nam đứng ở đâu trên thế giới?