Giáo viên và mong ước "được sống bằng lương" trong năm mới 2022

03/02/2022 08:15

Sau một năm đầy khắc nghiệt, bước sang năm mới 2022, nhiều nhà giáo bày tỏ mong muốn giáo viên có thể "sống" được bằng chính đồng lương của mình.

Giáo viên và mong ước được sống bằng lương trong năm mới 2022 - 1

Năm 2021 là một năm học đầy khắc nghiệt khi thầy trò trên khắp cả nước phải duy trì việc học trong tâm thế vừa lo sợ dịch bệnh, vừa buồn bã vì phải cách xa. Năm 2021 đầy biến động cũng đẩy nhiều giáo viên rơi vào "thế khó" khi phải tìm cách trang trải cuộc sống với đồng lương eo hẹp trong bối cảnh vật giá leo thang.

Bước sang năm mới 2022, nhiều nhà giáo bày tỏ mong muốn giáo viên có thể "sống" bằng đồng lương của mình; đồng thời hy vọng ngành giáo dục sẽ có những bước tiến để thầy cô được dạy thật, học sinh được học thật…

Hy vọng lương nhà giáo sẽ có bước tiến mới

Vào ngành biên chế từ năm 2005, tính đến thời điểm hiện tại, thầy Trần Văn Vinh (giáo viên cấp 3 môn Văn tại Thường Tín, Hà Nội) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo.

Ngót nghét cũng gần 20 năm "gõ đầu trẻ", tuy nhiên, mức lương cơ bản mà thầy giáo này nhận được chỉ dừng lại ở con số gần 8 triệu đồng một tháng, trong đó đã có 3 lần tăng lương trước thời hạn vì có thành tích. Cộng cả lương và thưởng, bình quân mỗi tháng, thầy Vinh có trong tay khoảng 10 triệu đồng.

Với mức thu nhập này, thầy khẳng định "chỉ đủ duy trì cuộc sống ở mức bình thường, tối giản nhất; không có tích lũy; lại càng không dám mơ mộng về thứ gì đó xa hoa".

"Nói chung, mức lương này chỉ đủ cho tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, giúp vợ san sẻ phần nào gánh nặng học phí cho hai con… Còn nếu nghĩ tới việc mua sắm thiết bị thông minh để phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục hay tài liệu học thuật để tự nâng cao trình độ; tôi phải "cân đong đo đếm" rất nhiều. Đợt dịch vừa qua, để sắm một chiếc máy tính "đạt chuẩn" phục vụ quá trình dạy trực tuyến, tôi phải "nhịn" chi tiêu tới 4 tháng trời.

Tôi sống ở Hà Nội - nơi phố thị văn minh mà đã rơi vào "thế khó"; không biết đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa họ còn khó khăn đến mức nào, phải xoay sở ra sao?" - thầy Vinh trải lòng.

Đứng trước thực tế đáng buồn này, nhà giáo Trần Văn Vinh mong mỏi, năm mới 2022, ngành giáo dục nói riêng và các bộ ngành liên quan nói chung sẽ có sự tính toán, cải cách hệ thống lương bậc cho đội ngũ nhà giáo.

Theo thầy Vinh, để giáo viên được sống bằng lương của mình, Nhà nước cần có một lộ trình tăng lương hợp lý, ví dụ như 3 năm sẽ tăng lương một lần, và mức tăng là 0,33% của mức lương cơ bản.

"Muốn "nâng tầm" giá trị và năng lực để đóng góp vào sự phát triển giáo dục thì trước hết phải nâng cao mức sống để giáo viên có đủ sức lực và năng lượng cống hiến" - thầy Vinh nhấn mạnh.

Đây cũng chính là mong ước của nhà giáo Hương Giang (giáo viên cấp 2 tại Hải Phòng) trong năm mới 2022.

Nhà giáo này cho biết: "Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân nói, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương của mình.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, hơn 10 năm qua, đồng lương của giáo viên cũng không được cải thiện là bao so với các ngành nghề khác. Ngoài giờ lên lớp, nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn cứ tất bật ngược xuôi với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Người lo dạy thêm, người bán hàng online, người tư vấn bảo hiểm để kiếm đồng ra đồng vào. Tâm không yên, nên chuyện đầu tư cho chuyên môn của nhiều giáo viên cũng vì thế mà hạn chế.

Tháng 4.2021, trong bức tâm thư gửi đến toàn thể giáo viên cả nước, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện sự trăn trở về đời sống, đãi ngộ và vị thế của người thầy trong xã hội. Điều này chạm đến nỗi niềm mà tôi cũng như nhiều nhà giáo đã trăn trở từ rất lâu".

Do đó, năm mới 2022, cô giáo Hương Giang bày tỏ sự tha thiết mong muốn người đứng đầu ngành giáo dục sẽ thực hiện lời hứa "cải thiện lương giáo viên" để sau nhiều năm cơ cực, thầy cô có thể sống đàng hoàng, tử tế với đồng lương của chính mình.

Bên cạnh câu chuyện lương thưởng, một điều khiến cô Giang mong mỏi không kém chính là sự đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện công nghệ dạy học cho giáo viên.

Theo cô Giang, thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa có sự đầu tư về trang thiết bị phục vụ quá trình dạy học. Những thiết bị hiện đại như máy chiếu, tivi… ở các trường rất ít, hầu như chỉ có vài ba chiếc để sử dụng vào những mục đích "quan trọng" như thanh tra, dự giờ; còn chủ yếu phương tiện giảng dạy cho giáo viên vẫn là bảng đen, phấn trắng.

"Thời đại 4.0, mọi lĩnh vực đều hướng đến sự đổi mới, và giáo dục cũng không ngoại lệ. Do đó, tôi hy vọng các đơn vị giáo dục, đặc biệt là UBND xã, huyện và thành phố sẽ có kế hoạch trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập như máy chiếu, bảng thông minh, hệ thống internet… tại các trường học.

Phương tiện dạy học hiện tại, chất lượng dạy và học cũng từ đó mà nâng cao" - cô Giang cho biết.

"Tôi mong giáo viên được dạy thật…"

"Năm mới 2022, điều mà tôi mong mỏi nhất là giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật". Đây là tâm sự của nhà giáo Phúc Hồng (Gia Lai) khi được hỏi "cô mong muốn điều gì trong năm mới".

"Có lẽ, sẽ nhiều người thắc mắc "dạy thật, học thật" xuất phát từ chính giáo viên và học sinh, vậy tại sao phải mong, phải ước.

Tuy nhiên, thực tế, việc dạy thật của thầy cô còn phụ thuộc vào nhà trường cũng như ngành giáo dục. Nhiều trường hợp giáo viên không được quyền sáng tạo, phải dạy học theo khuôn mẫu, chạy theo những thành tích mà nhà trường đề ra. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ".

Nhà giáo này cho biết, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc "cởi trói", khích lệ sự sáng tạo của giáo viên; tuy nhiên nhiều vấn đề tiêu cực vẫn tồn tại và không có dấu hiệu chấm dứt.

Theo cô Hồng, sự gian dối còn len lỏi ngay cả trong những tiết dự giờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí là theo kịch bản, nhất là với khối tiểu học. Những cuộc thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố… cũng khiến nhiều giáo viên "đau đầu", áp lực và mất ngủ ngày đêm.

"Thử hỏi, giáo viên chưa được dạy thật, giáo viên vẫn còn đối phó với các cuộc thi… thì học sinh làm sao có thể học thật?

Vì thế, tôi mong mỏi, các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh… sẽ được giảm bớt, đồng thời có sự thay đổi về mức độ, giảm dần độ… diễn trong các cuộc thi cũng như các tiết dự giờ để việc dạy và học trở nên thực chất hơn".

Giấc mơ về sự… trở lại

Khi được hỏi về ước mong trong năm mới, nhà giáo Trần Kim Ngọc (giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội) chia sẻ, mong ước của cô "bình thường lắm".

Mới đây, UBND TP Hà Nội đồng ý cho học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố sẽ đi học trực tiếp; học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS tiếp tục học trực tuyến. Trong khi đó, trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Thông tin này khiến nhiều giáo viên mầm non, trong đó có cô Kim Ngọc bày tỏ sự hụt hẫng. Do dịch Covid-19, cơ sở mầm non nơi cô Ngọc công tác đã phải đóng cửa gần 1 năm nay. Điều này đồng nghĩa, nhà giáo này đã phải trải qua "kỳ nghỉ" dài không lương, không thưởng.

"Tôi hy vọng trong năm 2022, dịch bệnh sẽ được kiểm soát để trẻ mầm non được tới trường trở lại. Với đội ngũ giáo viên mầm non tư thục như chúng tôi, điều này mang ý nghĩa quan trọng bởi khi trẻ tới trường, chúng tôi cũng được đứng lớp, chấm dứt những ngày tháng "thất nghiệp" dài dằng dặc, sống mòn mỏi, lay lắt bởi trong tay chẳng có một đồng lương.

Hy vọng trẻ sớm được tới trường để các con được gặp gỡ, chơi đùa với bạn bè. Các cô cũng có cơ hội được chăm sóc, dạy dỗ các con, để các cô tin rằng, sau thời gian dài đầy vất vả, sự chờ đợi của giáo viên mầm non không hề vô nghĩa".

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên và mong ước "được sống bằng lương" trong năm mới 2022