Thêm chính sách để giáo viên mầm non gắn bó với nghề

03/12/2021 07:00

Nếu đề xuất hỗ trợ trẻ và giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp được thông qua và đi vào thực tiễn sẽ giảm bớt khó khăn cho giáo viên.


Một tiết học ở Trường Mầm non tư thục ABC ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng, ảnh tư liệu)

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập, dân lập, tư thục; hỗ trợ trẻ và giáo viên mầm non tại cơ sở GDMN ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp. 

Đòi hỏi từ thực tiễn

Toàn tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp, trong đó có 11 khu đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ công nhân, lao động có con nhỏ nhiều, đặc biệt là lao động tỉnh ngoài. Nhu cầu gửi trẻ lớn nhưng các cơ sở GDMN công lập chưa đáp ứng được.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 248 cơ sở GDMN công lập, 171 cơ sở GDMN ngoài công lập (gồm 122 cơ sở độc lập và 49 trường mầm non tư thục). Có hơn 11.000 trẻ  và 1.014 giáo viên trong các cơ sở  ngoài công lập này. 

Đa số công nhân, lao động gửi trẻ ở các cơ sở GDMN độc lập, tư thục, trong khi các cơ sở này còn nhiều thiếu thốn, phần lớn chưa đạt chuẩn quốc gia. Ở các trường mầm non gần các khu công nghiệp, tình trạng số trẻ ở mỗi lớp vượt so với quy định khá nhiều. Chất lượng chăm sóc trẻ chưa đồng đều giữa cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập. Khi cả 18 khu công nghiệp cùng hoạt động, xu hướng tăng dân số tự nhiên thì việc phát triển quy mô GDMN ngoài công lập càng cấp thiết...

Đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non phải làm việc vất vả, căng thẳng, áp lực trong khi thu nhập thấp. Dân số tăng dẫn đến nhu cầu gửi trẻ tăng nhưng số người làm việc không tăng tương ứng; chưa có chính sách ưu tiên đủ mạnh để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho GDMN...

Gần 2 năm qua, do dịch Covid-19 kéo dài, có những thời điểm, nhiều cơ sở GDMN phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch nên nguồn thu không có, giáo viên phải nghỉ việc đi làm nghề khác tăng. 

Trước thực trạng trên, căn cứ vào Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển GDMN, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến các sở, ngành và đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở GDMN độc lập, dân lập, tư thục... để báo cáo tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII sắp tới.


Nhiều trẻ em mầm non tư thục là con công nhân, lao động làm việc tại khu công nghiệp có thể được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng (ảnh tư liệu)

Hy vọng

Trường Mầm non Tiền Trung (TP Hải Dương) thành lập từ năm 2012, gần khu công nghiệp Nam Sách. Trường có gần 100 trẻ, trong đó nhiều trẻ là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp Nam Sách, Lai Vu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ không được đến trường khiến nguồn thu giảm sút. Một số giáo viên của trường đã tìm công việc khác làm thêm để trang trải cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ trường này mong muốn chính sách trên sớm được HĐND tỉnh thông qua để các trường có thêm nguồn lực, kịp thời hỗ trợ giáo viên và con công nhân. 

Trường Mầm non tư thục ABC ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) gần khu công nghiệp Cẩm Giàng có hơn 100 trẻ. 98% số trẻ là con công nhân trong khu công nghiệp, 80% số trẻ có cả bố và mẹ đều là công nhân. Chị Nguyễn Thị Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đều là cá nhân đầu tư, việc trả lương cho giáo viên… cũng từ nguồn đóng góp hằng tháng của phụ huynh. Với mức thu 700.000 đồng/trẻ/tháng, việc vận hành hoạt động của nhà trường không dễ dàng. "Khi chính sách hỗ trợ trên được thông qua, chúng tôi mong các hướng dẫn thật cụ thể, thủ tục đơn giản, nhanh chóng để tạo thuận lợi cho giáo viên cũng như các phụ huynh…", chị Mỹ nói. 

Theo ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chính sách trên nếu được ban hành, đi vào thực tiễn sẽ tạo điều kiện và động lực thúc đẩy phát triển GDMN theo đúng chủ trương của tỉnh; góp phần giảm gánh nặng cho các trường mầm non công lập, giải quyết một phần khó khăn ban đầu cho các cơ sở GDMN độc lập tư thục, tạo điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ... "Chính sách này có ý nghĩa quan trọng để thu hút, tạo nguồn giáo viên mầm non đang thiếu hụt, tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng chuẩn theo quy định. GDMN phát triển còn giúp nhiều công nhân, lao động vơi bớt khó khăn", ông Hưng nói. 

Theo đề xuất, 3 đối tượng được hỗ trợ là: 

- Cơ sở GDMN độc lập được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, ở địa bàn có khu công nghiệp và có từ 30% số trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, được hỗ trợ 1 lần với mức 20 triệu đồng/cơ sở.  

- Trẻ đang học tại các cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ, thời gian không quá 9 tháng/năm học.

- Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp. Mức hỗ trợ 800.000 đồng/tháng/giáo viên, thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học. Điều kiện để được hỗ trợ là giáo viên có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở GDMN dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% số trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

THẾ ANH- HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm chính sách để giáo viên mầm non gắn bó với nghề