Dân khu 5 khổ vì quy hoạch "treo"

17/07/2022 06:00

Ngay giữa trung tâm TP Hải Dương, những quy hoạch “treo” 10 đến 15 năm vẫn đang “trói” người dân, khiến họ rơi vào cảnh đi không được, ở cũng chẳng xong.


Nhà anh Nguyễn Văn Hạnh nằm trong quy hoạch "treo" đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa

Nhiều năm nay, không ít hộ dân ở khu 5, phường Tân Bình (TP Hải Dương) phải chịu thiệt thòi vì quy hoạch đường, khu tái định cư, công viên cây xanh mãi nằm trên giấy.

Người dân chịu thiệt

Gia đình có đất rộng, lại đông người nhưng 15 năm qua, nhà anh Nguyễn Văn Hạnh vẫn không được xây nhà mới, thậm chí là cải tạo ngôi nhà đã xuống cấp trên mảnh đất gần 300 m2 ở phố Bình Lâu. Không còn lựa chọn nào khác, anh cùng gia đình phải chuyển tới nơi ở mới chật hẹp hơn song vẫn không thôi mong ngóng về thửa đất nằm trong quy hoạch “treo” ở trên. Theo anh Hạnh, từ năm 2007, anh nhận được thông tin mảnh đất gia đình anh đang sinh sống thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông. Cách thời gian đó không lâu, có người tới đo đạc, yêu cầu anh ký trích lục nhưng sau đấy không có biến chuyển gì thêm. Thấy vậy, anh làm đơn xin cấp phép xây nhà để ổn định cuộc sống thì lại nhận được câu trả lời là đất nằm trong quy hoạch, không được xây dựng. "Không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ khác cũng lâm vào cảnh tương tự, đi cũng khó mà ở chẳng xong. Hộ có đất không thể xây dựng, còn hộ có nhà thì lụp xụp, không được cơi nới, sửa chữa”, anh Hạnh thông tin thêm.

Không chỉ các hộ có đất, có nhà trong quy hoạch đứng ngồi không yên mà những gia đình sống bên cạnh khu vực này cũng chán nản, ngán ngẩm vì dự án không được triển khai nhiều năm nay. Về khu 5 sống từ năm 2008, ông Vũ Văn Tuấn nghe ngóng được khu đất trước nhà ông sẽ là đường giao thông và diện tích gần đó dành để xây công viên song hiện tại vẫn là đất trống, cỏ mọc hoang hoá. Ông Tuấn bức xúc cho biết: “Những tưởng ra khu đô thị mới thì chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện, nâng cao mà thực tế thì trái ngược. Chúng tôi phải chịu nhiều thiệt thòi vì quy hoạch “treo”, hạ tầng thiếu kết nối, không đồng bộ. Ở đây cứ mưa là ngập, đường chắp vá. Dân chuyển ra ở từ lâu mà các công trình phúc lợi vẫn chưa thực hiện nên rất bất cập. Người dân đã kiến nghị nhiều lần đến chính quyền, cơ quan chức năng mà vẫn chưa có hướng giải quyết thoả đáng”.

Ông Chử Hữu Phưaơng làm Bí thư Chi bộ và sau này kiêm Trưởng khu dân cư số 5 từ những ngày đầu Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội chi nhánh Hải Dương (Công ty Nam Cường) lập quy hoạch vào năm 2003 nên ông nắm tường tận vị trí, diện tích nằm trong vùng quy hoạch tại khu dân cư. Mặc dù vậy, theo thời gian các điểm, dự án quy hoạch có sự điều chỉnh, xê dịch so với ban đầu, mọi thông tin về quy hoạch không còn rõ ràng. Hiện tại, ông không còn xác định được chính xác diện tích mà công ty thu hồi để làm dự án. Chỉ biết diện tích đất quy hoạch "treo" bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm ở 3 tuyến phố Bình Lâu, Đặng Tất và Đỗ Hành. “Những diện tích doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng xong để hoang hoá nhiều năm, còn nhiều diện tích nằm trong vùng quy hoạch chưa được bồi thường cũng không thấy công ty có động thái gì mà các hộ thì vẫn không được xây dựng, sửa chữa. Điều này làm cho người dân bất an, lo lắng”, ông Phương cho biết.


Diện tích đất dành cho làm đường Bình Lâu để cỏ mọc hoang hóa nhiều năm

Vẫn đợi rà soát

Bất cập nhất trong quy hoạch “treo” tại khu 5 ở phường Tân Bình là chính quyền cơ sở không có thông tin đầy đủ về các dự án, tiểu dự án nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Theo ông Nguyễn Tác Luỹ, Chủ tịch UBND phường, hiện địa phương không rõ diện tích nằm trong quy hoạch “treo” trên địa bàn bởi không được Công ty Nam Cường bàn giao mốc giới trên thực địa. Mặt khác, phường cũng chỉ nắm cụ thể về bản đồ quy hoạch đầu tiên của doanh nghiệp, sau đó công ty nhiều lần điều chỉnh, không thông báo cho chính quyền cơ sở để phối hợp quản lý nên phường không có hồ sơ về các dự án, tiểu dự án mà doanh nghiệp vẫn quy hoạch “treo” tại khu 5. Phường chỉ biết được diện tích đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa triển khai có phần dành cho làm đường giao thông nối lên cầu Cất, phần phục vụ tái định cư và còn lại dành cho công viên, cây xanh. “Quan điểm của địa phương mong muốn dự án sớm được triển khai, giúp người dân ổn định cuộc sống. Còn nếu doanh nghiệp không thực hiện, các cấp, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, huỷ phần dự án “treo” để sớm có phương án thay thế, không để người dân chịu thiệt vì quy hoạch dang dở nhiều năm”, ông Luỹ nói.

Theo UBND TP Hải Dương, đối với các dự án, tiểu dự án thuộc khu đô thị mới phía tây, khu đô thị mới phía tây mở rộng do Công ty Nam Cường làm chủ đầu tư được triển khai từ những năm 2004 - 2005 nên việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thời điểm đó được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên do quy mô dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn, giải phóng mặt bằng nhiều diện tích áp theo Luật Đất đai năm 2013 với những yêu cầu về hồ sơ, thủ tục cần bổ sung, làm rõ. Không chỉ quy hoạch “treo” tại khu 5, hiện UBND tỉnh, UBND thành phố đang rà soát hồ sơ quy hoạch tại các khu đô thị này theo yêu cầu mới để làm cơ sở triển khai các dự án. Sau khi được bàn giao hồ sơ, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện dự án theo quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ổn định cuộc sống.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân khu 5 khổ vì quy hoạch "treo"