Khan hiếm vé máy bay dịp Tết

06/12/2022 14:00

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song nhiều chuyến bay chặng TP Hồ Chí Minh đến Vinh, Thanh Hóa... ngày giáp Tết đã hết chỗ, chỉ còn vé hạng thương gia.

Chờ lịch nghỉ Tết chính thức của công ty, tuần này gia đình chị Minh Hạnh (quận 2, TP Hồ Chí Minh) mới mua vé máy bay về quê ở ngoại thành Hà Nội ăn Tết. Chị lên mạng tìm vé ra Hà Nội vào ngày 19.1 (28 tháng chạp) và trở lại vào ngày 25.1 (mùng 4) của Vietnam Airlines thì tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng khứ hồi cho cả gia đình hai người lớn, một trẻ em. Nếu mua vé bay chuyến đêm của Bamboo Airways thì gia đình chị phải chi 19 triệu đồng.

Thấy giá vé quá cao, chị Hạnh tính bay về Hải Phòng rồi đi ôtô lên Hà Nội, song giá vé chặng này cũng không thấp hơn. "Tôi hối hận không mua vé sớm hơn vì nghĩ như các năm trước vẫn còn nhiều chỗ lúc sát Tết. Không ngờ vé máy bay năm nay lại căng thẳng như vậy", chị Minh Hạnh nói.

Trên website bán vé của Vietnam Airlines, vé chặng TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Hải Phòng các ngày 16.1 đến 19.1 (25-28 tháng chạp) đều có giá thấp nhất khoảng 3,5 triệu đồng/lượt. Chặng TP Hồ Chí Minh đến Thanh Hóa chỉ còn ghế thương gia, giá gần 6 triệu đồng, chiều ngược lại sau Tết cũng còn khá ít vé loại 3-3,5 triệu đồng.

Tương tự, chặng TP Hồ Chí Minh - Vinh chỉ còn ít vé thương gia giá gần 6 triệu đồng vào các ngày 15-17.1, còn các ngày 18-19.1 các chuyến bay đều hết vé. Số ghế còn ít còn do ở chặng này Vietnam Airlines chỉ có hai chuyến khứ hồi mỗi ngày.


Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 1.2021

Chặng TP Hồ Chí Minh - Vinh, Thanh Hóa được Vietjet Air khai thác 9 chuyến bay mỗi ngày nhưng đến nay một nửa số chuyến ngày giáp Tết đã bán hết ghế, chỉ còn ít chỗ trên các chuyến bay buổi tối với giá vé thấp nhất 3,5 triệu đồng mỗi lượt. Những ngày sau Tết lại căng thẳng vé chiều từ Bắc vào Nam, giá cũng tăng cao trên các chặng Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa... đến TP Hồ Chí Minh.

Dịp Tết Quý Mão, các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay, dự kiến tăng 8.079 chuyến (tương đương 32%) so với Tết năm trước. Trung bình mỗi ngày tăng thêm 260 chuyến.

Tính chung, các hãng bay đã cung ứng khoảng 6,7 triệu ghế (tăng 33%) trong dịp Tết này. Đường bay tăng chuyến tập trung từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế và ngược lại.

Lý giải nguyên nhân các chuyến bay dịp Tết còn ít chỗ, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hai năm qua ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, về quê của người dân bị hạn chế nên dồn nén sang Tết năm nay. Nhiều người mua vé ngay sau khi hãng mở bán khiến nhiều chặng hết vé sớm.

Đến nay, hãng đã bán gần hết chỗ chuyến bay hiện có theo kế hoạch, tốc độ bán nhanh hơn so với các năm trước. Hãng đang chờ Cục Hàng không phân bổ số chuyến bay được tăng thêm để lên kế hoạch khai thác. "Giá vé phải nằm trong khung giá nên hãng không thể bán vượt khung", người này cho hay.

Bamboo Airways đã cung ứng một triệu chỗ, tăng 15% tải trên toàn mạng bay. Hãng đã tăng cường các chuyến bay đêm và sáng sớm từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa và Quảng Bình... và tiếp tục tăng số lượng nếu cơ quan quản lý hàng không cho phép.

Về giá vé cao, đại diện các hãng cho biết, các chuyến bay giáp Tết thường rỗng một chiều chặng từ Bắc vào Nam. Chuyến từ Nam ra Bắc phải đầy chỗ thì mới đạt 50% công suất của chuyến bay khứ hồi (thấp hơn các chuyến bay ngày thường). Do đó, các hãng bay thường phải tăng giá vé một chiều để bù đắp chi phí cho chiều rỗng.

"Năm nay, các hãng bay còn chịu áp lực giá xăng dầu, tỷ giá USD tăng, nên vừa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh là một bài toán khó", đại diện Vietnam Airlines nói.

Nghiên cứu tăng chuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất

Việc tăng chuyến đang được cơ quan chức năng cân nhắc, do năng lực sân bay Tân Sơn Nhất hạn chế. Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, hiện nhà ga Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng tối đa khoảng 3.600 khách/giờ (2.000 khách ở sảnh A, 1.600 khách ở sảnh E), nếu tăng chuyến sẽ dẫn đến ùn tắc. Do đó, Cục đang giới hạn tối đa 42 lượt cất, hạ cánh mỗi giờ tại sân bay này.

Tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng tần suất khai thác lên 44 chuyến mỗi giờ, từ 9h đến 14h55 và từ 18h đến 21h55 tại Tân Sơn Nhất. Với lịch mới, mỗi ngày Tân Sơn Nhất có thêm 7 chuyến bay, 3.000 ghế được cung ứng.

Một giải pháp nữa cũng được đưa ra là tăng bay đêm để giảm ùn tắc tại Tân Sơn Nhất. Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bố trí nguồn lực, trang thiết bị, đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác ban đêm tại các sân bay địa phương. Hiện trong 8 khung giờ đêm (24-6h) vẫn còn nhiều chỗ trống, có thể cung ứng thêm cả chục nghìn ghế.

Theo đại diện một hãng hàng không, với 7 chuyến bay tăng thêm tại Tân Sơn Nhất phân bổ cho 5 hãng bay, thì số chuyến bay hiện nay không tăng đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu hành khách thì Tân Sơn Nhất cần tăng lên 45-47 chuyến bay vào các khung giờ ban ngày. Các năm trước, sân bay Tân Sơn Nhất từng tăng chuyến như vậy trong một số khung giờ cao điểm trong bối cảnh đường cất hạ cánh chưa được sửa chữa. Năm nay, hệ thống đường băng, đường lăn đã hoàn thiện, máy bay lưu chuyển sẽ nhanh hơn.

"Điều quan trọng là công tác điều hành giữa các bộ phận tại sân bay, cần phối hợp tốt để không bị ùn tắc, chậm chuyến", người này nói, cho rằng kế hoạch tăng chuyến khai thác ban đêm sẽ gây khó khăn cho hành khách do taxi, xe buýt hạn chế hoạt động ban đêm tại các sân bay địa phương, nên không hấp dẫn số đông hành khách.

"Chúng tôi mong cơ quan quản lý cho tăng chuyến tại Tân Sơn Nhất để các hãng bay có kế hoạch bay và bán thêm vé trên toàn mạng, vì nhu cầu đi lại hành khách trong dịp Tết năm nay sẽ còn tăng", đại diện hãng bay nói thêm.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Khan hiếm vé máy bay dịp Tết