Quản lý đường dùng chung trong khu công nghiệp thế nào?

16/05/2022 11:00

Hiện nay, một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh mở thông tuyến đường nội bộ cho người dân sử dụng chung. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh những vướng mắc trong đầu tư, khai thác sử dụng và quản lý đường.

Tuyến đường Road No.1A tại khu công nghiệp Đại An mở rộng có nhiều người dân đi từ Cẩm Giàng đến TP Hải Dương

Bất cập dùng chung

Theo quy định, các KCN hay cụm công nghiệp (CCN) có ranh giới địa lý xác định, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong phạm vi được phê duyệt và thực hiện duy tu, bảo dưỡng trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, các KCN, CCN có diện tích lớn nằm xen kẽ với các khu dân cư, điểm dân cư nên khi triển khai giải phóng mặt bằng phải hoàn trả các công trình hiện hữu như đường sá, đường điện, cấp thoát nước… để phục vụ dân sinh. Do ảnh hưởng tới cuộc sống người dân nên một số KCN bắt buộc phải cho người dân dùng chung đường trong KCN để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.

KCN Đại An do Công ty CP Đại An làm chủ đầu tư nhiều năm nay mở thông đường gom 33 m và một số tuyến đường chuyên biệt với 2 làn đường rộng 37 m cho người dân lân cận đi qua. Vì thế, dù là đường nội bộ nhưng lượng người và phương tiện qua các tuyến này rất đông khi công nhân làm việc trong KCN lên đến 30.000 người, lại thêm người và phương tiện từ bên ngoài khoảng 15.000 người nữa. Anh Nguyễn Huy Chu, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Công ty CP Đại An cho biết việc cho người dân đi vào KCN có thể rút ngắn quãng đường di chuyển, hạn chế ùn tắc ở đường gom quốc lộ 5 lúc tan tầm song cũng gây khó khăn cho đơn vị quản lý. Đơn vị khó kiểm soát được người ra vào KCN, có nguy cơ mất an toàn giao thông khi tần suất vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp lớn. 

Việc quản lý trật tự an toàn giao thông ở đường dùng chung cũng có nhiều khó khăn. Theo trung tá Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Cẩm Giàng), trên địa bàn huyện có một số KCN có đường công cộng đi qua như Lai Cách,  Cẩm Điền - Lương Điền… Một số người vi phạm cố tình đi vào đường trong KCN để tránh lực lượng chức năng. Việc xử lý sự cố, tai nạn phát sinh tại đây cũng tương đối vất vả vì nằm trong KCN nên khó xác định được vị trí tai nạn chính xác để lập hồ sơ. Mặt khác, dù có người dân tham gia giao thông song đường thuộc quản lý của KCN, một số đoạn có biển chỉ dẫn, báo hiệu giao thông không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cắm nên cũng khó để xử lý vi phạm và làm rõ trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn.

Đề xuất phương án

Ngoài những KCN, CCN đang có đường công cộng đi qua thì hiện tồn tại một số vấn đề liên quan tới việc đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các tuyến đường đã hình thành và đang trong quy hoạch. Đối với Hải Dương, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN, CCN.

Mặc dù vậy, do nguồn lực hạn chế, chưa có khả năng cân đối để đầu tư đồng bộ toàn tuyến nên một số đoạn tuyến đã được quy hoạch nằm trong phạm vi quy hoạch KCN, CCN. Song theo quy định, chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN phải có trách nhiệm đầu tư trong phạm vi quy hoạch. Do diện tích của tỉnh không lớn, lại đang tập trung phát triển công nghiệp nên hiện nay một số KCN, CCN đang lập quy hoạch theo hướng mở. Trong đó có nhiều tuyến đường công cộng như đường tỉnh 394B đi qua KCN Phúc Điền mở rộng, đường trục chính nối quốc lộ 37 với đường trục Bắc - Nam qua KCN Gia Lộc…

Đặc biệt, tỉnh đang đề xuất thành lập khu công nghiệp động lực với diện tích hơn 10.000 ha ở các huyện Thanh Miện, Bình Giang có nhiều khu dân cư nằm xen kẽ nên không tránh khỏi có đường dân sinh đi qua. Vì thế, cần thiết phải có cơ chế đầu tư, quản lý và khai thác các tuyến đường giao thông công cộng qua KCN, CCN để vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa không gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Trước thực tế trên, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải đã đề xuất chủ trương đầu tư, phương án quản lý, sử dụng và khai thác các tuyến đường công cộng qua KCN, CCN. Theo đó, khi lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN, CCN cần căn cứ vào quy hoạch, hiện trạng các tuyến đường có tính liên kết vùng. Sau khi thoả thuận, thống nhất sẽ quyết định đưa phạm vi toàn tuyến đường, bao gồm cả đường gom qua KCN, CCN vào trong ranh giới hoặc nằm ngoài ranh giới quy hoạch KCN, CCN.

Với trường hợp nằm ngoài ranh giới quy hoạch, Nhà nước sẽ đầu tư 50% chi phí xây dựng và chủ đầu tư hạ tầng tham gia đóng góp 50% chi phí. Nhà nước có trách nhiệm quản lý và thực hiện bảo trì, duy tu, bảo dưỡng theo quy định. Còn trường hợp nằm trong ranh giới quy hoạch, chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN có trách nhiệm đầu tư, quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Khi đầu tư kết nối đồng bộ xong toàn tuyến, Nhà nước sẽ thực hiện bảo trì, duy tu, bảo dưỡng. Với những tuyến đường nằm trong ranh giới quy hoạch KCN, CCN chỉ phục vụ dân cư phạm vi xã, thôn, chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý và bảo trì.

“Việc quy định rõ chủ trương đầu tư và cơ chế quản lý đường giao thông công cộng qua các KCN, CCN sẽ góp phần tiết kiệm quỹ đất, huy động tối đa các nguồn lực và tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong giải phóng mặt bằng”, ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định.       

THÀNH ĐẠT - NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý đường dùng chung trong khu công nghiệp thế nào?