Thành phố chuyển mình

30/10/2021 10:00

Cùng với dân tộc, thị xã Hải Dương xưa - TP Hải Dương nay đã đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang. Nơi đây đang phát triển rộng mở và khang trang.


TP Hải Dương ngày càng phát triển

TP Hải Dương có thời gọi là thị xã - “thị xã đi qua”, trên chặng đường Hà Nội - Hải Phòng chẳng mấy ai để ý. Nhưng mới chỉ hai phần ba thế kỷ (67 năm), thị xã ấy ngày nay đã thành đô thị loại I, là thủ phủ, một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh. 

Dấu ấn 

Cũng như con người, lịch sử đất này đủ cả thăng trầm, tan hợp, gian khổ và vinh quang. Chỉ kể trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, thị xã bị kìm kẹp trong vùng tạm chiếm, người dân sống cảnh cá chậu chim lồng. Ngày 30.10.1954, cả đất trời cùng trái tim người vỡ òa trong niềm vui giải phóng, tự do. Đó là dấu son, một nét nhạc trầm hùng bất tận.   

Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20.7.1954, nhưng thị xã Hải Dương thuộc khu vực quân đội Pháp tập kết 100 ngày, để chuẩn bị rút khỏi miền Bắc. Pháp biến thị xã thành một trại lính khổng lồ, khiến cho tình hình phức tạp, đòi hỏi quân và dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác tiếp quản. 

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, khoảng 6 giờ ngày 30.10, thị xã Hải Dương rợp trời cờ hoa, rùng rùng bước chân người tràn ra đường phố, hân hoan đón chào Trung đoàn 42 tiến về nội thành... Hơn 8 giờ sáng cùng ngày, khi những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Phú Lương, đi về phía Hải Phòng, một hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hòa Bình (phố Trần Hưng Đạo), báo hiệu thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Và 14 giờ hôm ấy, hơn 2 vạn dân thị xã và vùng phụ cận tham dự buổi mít tinh tổ chức tại Quảng trường Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc lập) để chào mừng thắng lợi. Sau mít tinh, từng đoàn người diễu hành khắp các tuyến đường lớn của thị xã để biểu dương lực lượng, thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng miền Bắc mạnh giàu, đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước…

Nhiều người nay đã già, mỗi lần nhớ lại giờ phút thiêng liêng ấy vẫn bồi hồi kể rằng: Lần đầu tiên sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, những lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trước gió và những tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy, tiếng vỗ tay nối dài trên đường phố thị xã, cứ ngỡ trong mơ…    


Thị xã Hải Dương mít tinh mừng Chiến thắng 30.10.1954 (ảnh tư liệu)

Năm tháng hào hùng…       

Những anh lính Trung đoàn 42 trẻ nhất năm xưa tiến vào giải phóng thị xã, nay đã thành cụ già tuổi ngoài 85. Không biết ai còn ai mất? Bởi sau đó lại có người xa mẹ già, vợ trẻ lên đường tái ngũ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhiều người bây giờ vẫn chưa được về yên nghỉ nơi quê mẹ.

Cùng với dân tộc, người Hải Dương đã đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang. Mảnh đất tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn và tiếp sức chiến trường. Những trận địa tên lửa dọc bến Hàn hóa bức tường thành, làm “phên dậu phía đông” bảo vệ trái tim Tổ quốc trong những ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. 

Cái thị xã xinh xắn ấy đã từng gồng mình vượt qua lũ lụt, bão giông, ẩn chứa muôn vàn hiểm nguy để trưởng thành vững bước đi lên trong làn gió hòa bình, dựng xây và hội nhập. 

Năm 1997 thị xã lên thành phố. Từ chật hẹp thành rộng lớn, từ manh mún khó nghèo thành khang trang và sung túc… Từ một thị xã nông nghiệp là chủ yếu nay đã chuyển mình trong nhịp sống mới đô thị hóa. Người Hải Dương đã kiên trì đi qua từ một chiếc cầu sắt Phú Lương cũ kỹ, hẹp lòng, để mở ra những cửa ô rộng lớn. Khách đi qua cửa ô phía tây, thấy choáng ngợp bởi quảng trường xanh mát hàng cây và tòa nhà chất ngất. Cửa ô phía nam phóng khoáng những khu đô thị mới xây, những công trình dân sinh, bệnh viện, trường đại học. Cửa ô phía bắc sừng sững cầu Hàn, đã xóa đi nỗi ám ảnh con đò rách nát lạnh lẽo trăm năm trước. Từ cửa ô phía đông vạm vỡ chiếc cầu Phú Lương ưỡn ngực cõng hàng nghìn lượt chuyến xe qua mỗi ngày…


TP Hải Dương ngày nay sầm uất, cuộc sống người dân sung túc

Đất chuyển mình, người năng động 

Ngày giải phóng, thị xã có 5 đơn vị khu phố, mỗi khu có vài con đường và xóm nhỏ, dân cư thưa thớt nằm lọt thỏm trong những bóng tre phật phờ bên bờ ao bèo nham nhở, là vết tích cuộc chiến tranh. 67 năm sau, thị xã Hải Dương đã là đô thị loại I, có 25 đơn vị hành chính với diện tích trên 11.000 ha và dân số hơn một nửa triệu người. 

Trước nói tới TP Hải Dương, khách chỉ nhớ tấm bánh đậu xanh, bát sứ… còn bây giờ thành phố đã chuyển mình với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể. Kinh tế tăng trưởng hằng năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Tiếng là thành phố nhưng trên vùng đất phì nhiêu màu mỡ ấy, đã hình thành nhiều vùng lúa tập trung, rau an toàn, trồng hoa, trang trại chăn nuôi, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khu công nghiệp lớn Đại An, Nam Sách, An Phát, các cụm công nghiệp Việt Hòa, Thạch Khôi, Cẩm Thượng, Ngô Quyền... là một niềm tự hào. Những siêu thị lớn sầm uất, các cửa hàng tiện lợi. Hơn chục trường chuyên nghiệp từ bậc trung cấp đến đại học; 13 bệnh viện, nhiều chung cư cao tầng đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần, an sinh của nhân dân…

Người thành phố hướng về phía trước với tầm nhìn rộng mở, sẽ phát triển không gian theo các phân khu: Khu trung tâm đô thị hiện hữu; không gian sông Thái Bình và sông Sặt; khu công nghiệp - dịch vụ đô thị phía tây; khu đô thị dịch vụ nông nghiệp phía đông; khu phát triển đô thị dịch vụ phía bắc; khu phát triển đô thị mới phía nam… 

Không ồn ào náo động như Hải Phòng, Hạ Long, TP Hải Dương đang lắng đọng suy tư trước thời cuộc. Người thành phố đang bước đi mạnh mẽ nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét truyền thống xứ Đông. Cái “thị xã đi qua” năm ấy, sau 67 năm kể từ ngày giải phóng đang khát vọng xây dựng thành phố - một đô thị loại I mạnh giàu, đáng sống, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh, xứng danh truyền thống xứ Đông văn hiến ngàn đời. 

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố chuyển mình