Từ chén rượu đến... nghĩa trang

26/11/2022 16:12

Khoảng 30% bệnh nhân cấp cứu và điều trị tại Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng là do gặp tai nạn vì sử dụng rượu bia hoặc bị người uống rượu tông xe vào.


Khoảng 30% số ca cấp cứu tại Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh có liên quan đến rượu bia 

Rượu là chất kích thích không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Bình quân mỗi tháng, Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân. Khoảng 30% trong số này gặp tai nạn do sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe hoặc bị người uống rượu tông xe vào. “Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng, phổ biến là bị chấn thương sọ não, đốt sống cổ, ngực... nên tỷ lệ tử vong thường rất cao, khoảng 5-7 bệnh nhân/tháng. Đó là còn chưa kể những người chuyển thẳng tuyến trên”, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Trí Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người uống rượu bia gặp tai nạn giao thông thường từ 20-50 tuổi. Không hiếm trường hợp bị tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia bị tử vong tại chỗ hoặc đang trên đường đi cấp cứu. “Làm sao mà tí tuổi đầu nó đã thường xuyên rượu bia như thế. Khuyên răn thì nó bảo bà nói nhiều, để rồi hệ quả là phải bỏ mạng vì tai nạn giao thông”, cụ N.T.P. ở TP Chí Linh nói trong nước mắt khi nhắc tới đứa cháu nội 22 tuổi mới bị tử nạn do sử dụng rượu bia vẫn lái xe máy.  

Nhiều người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng cũng không tránh khỏi những di chứng nặng nề do rượu bia gây ra. Chị N.T.H. ở huyện Tứ Kỳ cho biết cuối năm ngoái, chồng chị bị tai nạn sau khi uống rượu ở nhà bạn nhưng vẫn cố lái xe máy về. Chồng chị đã phải nằm viện hơn 2 tháng, trải qua 2 ca phẫu thuật để hút máu tụ và ghép xương sọ não. “Gần 1 năm qua anh ấy vẫn nằm một chỗ, nhớ nhớ quên quên và chưa thể tự đi lại được. Tôi phải nghỉ việc ở công ty về chăm sóc chồng. Cuộc sống gia đình từ chỗ khá giả giờ rơi vào cảnh nghèo túng, phải vay mượn khắp nơi chữa trị cho anh ấy mà không biết có tiến triển gì không”, chị H. buồn rầu nói. 

Theo các bác sĩ, những người bị tai nạn giao thông sau khi sử dụng rượu bia nếu có giữ được mạng sống thì cũng tổn thất nặng nề về sức khoẻ, nhẹ cũng thường xuyên đau đầu, động kinh, nặng thì tổn hại từ 15-40% sức khoẻ, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Mỗi ca cấp cứu, điều trị chấn thương sọ não dù đã được bảo hiểm y tế chi trả vẫn thường tiêu tốn từ 100-200 triệu đồng, những trường hợp nhẹ cũng vài chục triệu đồng. 

Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia có xu hướng ngày càng tăng dù thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe” thường xuyên được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông hoặc các pa nô, áp phích trên các tuyến đường. 

Từ chén rượu đến… nghĩa trang ngẫm cũng thật gần. Hy vọng những số liệu biết nói, những vụ tai nạn giao thông thương tâm vẫn thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, chương trình truyền hình, mạng xã hội sẽ giúp nhiều người thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia, sống có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, biết bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ chén rượu đến... nghĩa trang