[Audio] Bảo vệ những “lá phổi xanh” của thành phố

08/08/2022 08:32

Gần đây một đoạn video clip ngắn trên báo điện tử Hải Dương và fanpage của báo phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở hồ Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) làm không ít người xem giật mình lo lắng.

00:00

Ao hồ ở thành phố được ví như những “lá phổi xanh” trong lành vậy mà không ít người dân sống gần hồ này lại phải chịu mùi hôi thối, không dám đến gần. Nếu mỗi người dân không có ý thức bảo vệ thì không chỉ riêng hồ Sượt, nhiều ao hồ khác của thành phố cũng có nguy cơ tương tự. 

Từ bao đời nay ao hồ có vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất, đời sống ở cả nông thôn và đô thị. Ao hồ không chỉ điều hòa, làm mát không khí mà còn có vai trò tiêu thoát nước, chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Ở nhiều nơi trên thế giới, ao hồ còn được cải tạo thành những công viên xinh đẹp, hấp dẫn, tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân sống xung quanh, thậm chí phát triển cả du lịch.  

Từ ô nhiễm hồ Sượt, nhớ đến câu chuyện mà một người bạn của tôi đang sống ở TP Shimabara (Nhật Bản). Lần đầu đến thành phố này làm việc bạn bảo thấy cá Koi bơi lội tung tăng dưới cống thoát nước. Đây là loài cá chỉ sống được trong nguồn nước sạch. Bạn còn nói vui rằng nếu đem cá Koi thả xuống cống thoát nước ở quê mình chắc "không kịp ngáp”. Giống như bạn, tôi cũng mong ao hồ ở quê mình, nhất là ở TP Hải Dương luôn giữ được trong sạch như vậy. Mỗi ao hồ ở TP Hải Dương có thể trở thành một điểm đến, một công viên nhỏ để người dân có thể đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành. 

 Năm 2017, TP Hải Dương đã dành hơn 4 tỷ đồng để cải tạo tổng thể hồ Bình Minh. Năm 2020, thành phố giao Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương trồng hoa sen, hoa súng tại một số hồ điều hòa và sông nội thành để tạo cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Nhưng sự nỗ lực của chính quyền địa phương thôi chưa đủ mà còn cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân. 

Chẳng ở đâu xa, gần đây, nhiều nơi của huyện Cẩm Giàng đã làm khá tốt việc bảo vệ, cải tạo ao hồ. Nhiều người lâu lâu trở lại thăm Ao Quan ở xóm Cầu Ba, thôn Văn Thai (Cẩm Văn) hay ao Đền ở thị trấn Cẩm Giang đều phải ngỡ ngàng vì sự thay đổi của những ao làng. Từ những ao tù, nước đọng nay những  ao trên đã trở thành công viên làng thực thụ. Người dân nơi đây sẵn sàng hiến đất xây kè bờ ao. Họ chia nhau bảo vệ môi trường ao hồ bằng cách không thải nước, rác bẩn ra ao hồ. Mỗi người một việc, người dân sống xung quanh phân công nhau trồng hoa, chăm cây để ao làng xanh, sạch.

Người dân TP Hải Dương hoàn toàn có thể làm được. Các hồ Sượt, Bạch Đằng, Bình Minh, Con Gấu, Cơ khí… dù đã được cải tạo, bảo vệ nhưng nếu mỗi người dân không có ý thức thì chuyện nước hồ ô nhiễm trở lại sẽ không tránh khỏi. Chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể bảo vệ được môi trường ao hồ trong sạch như không vứt rác, xử lý nước thải trước khi xả xuống môi trường nơi đây rất có ý nghĩa trong việc gìn giữ những "lá phổi xanh" của thành phố. Ở những ao hồ đang trong xu hướng bị ô nhiễm, chính quyền địa phương cùng người dân cần kiên quyết tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Về lâu dài, tỉnh cũng cần có chính sách riêng để bảo vệ hệ thống ao hồ.

Mới đây, việc UBND tỉnh phê duyệt danh mục 5.001 hồ, ao, đầm trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 1.300 ha không được san lấp để phòng chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm cần thiết của chính quyền các cấp đối với việc bảo vệ ao hồ trong lòng khu dân cư.

Ước mơ có được nguồn nước ao hồ trong sạch như ở TP Shimabara (Nhật Bản) sẽ không khó đạt được nếu có sự nỗ lực, chung tay của mỗi người dân và các cấp chính quyền.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Bảo vệ những “lá phổi xanh” của thành phố