Đồng cảm, sẻ chia với người thầy thuốc

27/02/2022 08:39

Bác Hồ kính yêu từng căn dặn các thầy thuốc: "Lương y phải như từ mẫu". Lời dạy ấy của Bác đã thấm nhuần bao thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Cả nước đã có nhiều tấm gương thầy thuốc giỏi về y thuật, sáng về y đức trong cả thời chiến cũng như thời bình.

Tuy nhiên ở đâu đó, chúng ta vẫn nghe thấy những than phiền về nghề y. Đó có thể là sự thiếu tinh thần trách nhiệm, tắc trách của một số ít người để lại hậu quả không tốt đối với bệnh nhân. Hoặc những hành vi vi phạm đạo đức của một số ít y, bác sĩ, người làm công tác quản lý trong ngành y, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", bởi hầu hết những người mặc áo blouse trắng vẫn cần mẫn với công việc, hy sinh thầm lặng vì sức khỏe nhân dân đúng như lời dạy của Bác.

Phải tận mắt chứng kiến những công việc của người thầy thuốc mới thấy hết sự căng thẳng, vất vả của họ. Trước lằn ranh sinh tử của người bệnh nếu không đủ chuyên môn, không thật sự bình tĩnh, họ có thể sẽ đối mặt với rủi ro, thậm chí là mất cả tính mạng, mất hết sự nghiệp... Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, họ lại là những "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch, luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi làm nhiệm vụ. Giữa tiết trời mùa hè nóng như đổ lửa, khi làm nhiệm vụ các y, bác sĩ phải khoác trên mình bộ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, mồ hôi ướt đầm đìa. Có người vì mất nước, sốc nhiệt đã ngất đi. Có nhiều bà mẹ trẻ, con chưa dứt hơi sữa đã xung phong vào nơi tuyến đầu hoặc đảm nhận những công việc luôn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh.

Thậm chí tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những em sinh viên trường y ở Hải Dương, tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã hăng hái viết đơn xung phong vào tâm dịch. Ngày lên đường giữa mùa hè nóng bức, mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt các em vẫn hừng hực khí thế quyết tâm, mặc dù chưa lường hết những khó khăn phía trước. Có những em lần đầu đi xa đến thế, không giấu nổi giọt nước mắt chia ly. Có những em vừa trở về từ đợt chi viện trước kéo dài hàng tháng, chưa kịp thăm nhà đã vội lên đường chi viện cho đợt sau. Nhưng vượt qua tất cả, các em đã để lại những chuyến đi ý nghĩa đúng với tinh thần cao cả của ngành y...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để những người trong ngành y làm tốt hơn nữa vai trò của mình rất cần sự quan tâm chia sẻ. Công việc của họ chịu áp lực rất lớn nên cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Một người bạn tôi làm trong ngành y đã phải thốt lên rằng nhiều lúc anh rất mệt mỏi, áp lực với nghề. Nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh gần như không có ngày nghỉ, thường xuyên phải làm vào buổi tối để hoàn thành công việc cho hôm sau phục vụ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, chỉ cần có chút sơ sẩy là phải chịu hậu quả nặng nề. Nếu như không thực sự yêu nghề, không nghĩ đến lợi ích chung thì những người như anh sẽ nghỉ việc. Bởi họ là những người có chuyên môn đặc thù. Họ có nhiều lựa chọn công việc tốt hơn với mức thu nhập cao hơn...

Dịch bệnh không chỉ tạo áp lực về công việc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều người làm trong ngành y. Dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, ít nhất có 2 bệnh viện ở Hải Dương không thưởng Tết cho người lao động. Một số bệnh viện có thưởng nhưng mức thưởng giảm so với nhiều năm trước. Nhiều bệnh viện do thực hiện cơ chế tự chủ nên cũng khó khăn trong cân đối chi trả các chế độ cho nhân viên... Rõ ràng điều này là nghịch lý mà ngành y phải chịu. Họ vốn đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn!

Lời thề Hippocrates mà những sinh viên y khoa đọc trước khi ra trường chính là hành trang để họ bước vào nghề. Nhưng để hành trang ấy sáng mãi trên con đường sự nghiệp, thì bên cạnh sự ghi nhớ, nỗ lực của bản thân mỗi người thầy thuốc còn rất cần sự cảm thông, sẻ chia của cả Nhà nước và cộng đồng xã hội.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng cảm, sẻ chia với người thầy thuốc