F0 không khai báo y tế

20/03/2022 08:03

Bạn tôi kể bản thân, vợ và hai con vừa khỏi Covid-19. Khi thấy ho, sốt, họ tự test nhanh thấy dương tính nhưng không khai báo với y tế địa phương. Mấy nhà hàng xóm của bạn cũng thế.

Em dâu của tôi mắc Covid-19 cách đây không lâu. Sau khi tự test nhanh Covid-19 thấy dương tính cô liền gọi điện báo y tế phường. Qua điện thoại, nhân viên y tế phường báo đang bận và hứa sẽ gọi điện thoại lại. Kết quả là 3 ngày sau em dâu tôi cũng chẳng thấy cuộc gọi nào của nhân viên y tế kia. Sau 5 ngày thì em dâu tôi test lại, thấy âm tính nên tự đi làm. Vừa rồi, khi bị tái dương tính, em dâu tôi không khai báo nữa.

Cách đây khoảng 3 tuần, đang ngồi làm việc với chủ tịch UBND một xã, tôi thấy có một F0 vừa khỏi bệnh lên xin giấy xác nhận của xã. Bất ngờ là khi chủ tịch xã hỏi mới biết người này khi mắc Covid-19 đã không khai báo, tự điều trị ở nhà.

10 ngày qua, mỗi ngày Hải Dương đều có từ 4.000 ca mắc Covid-19 trở lên, luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có nhiều ca mắc mới. Nhiều người cho rằng số ca bệnh mà tỉnh công bố hằng ngày chưa phải là con số chính xác, thực tế có thể còn lớn hơn vì nhiều  F0 không khai báo y tế. Nhiều F0 chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên không ít người vô tư tiếp xúc, làm mầm bệnh phát tán rộng trong cộng đồng.

Những hậu quả mà Covid-19 gây ra đối với sức khỏe con người không cần phải thông tin lại vì hằng ngày đều xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao tình trạng F0 không khai báo y tế xuất hiện ngày càng nhiều? Điều này sẽ dẫn tới hậu quả gì và cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Thực tế có thể khẳng định việc F0 không khai báo trước hết xuất phát từ sự chủ quan, ý thức kém của một bộ phận người dân. Không ít người đang có tâm lý "ai rồi cũng thành F0 thôi" và "có trở thành F0 thì cũng mấy hôm là khỏi". Kể từ khi số ca bệnh tăng cao, y tế cơ sở trở nên quá tải, không có đủ thời gian để kiểm soát, quán xuyến hết ca mắc mới. Chưa kể không ít trạm y tế có tất cả cán bộ, nhân viên cũng trở thành F0 khiến nguồn nhân lực càng khó khăn. Hiện nay, F0 được cấp giấy chứng nhận trực tuyến do khai báo qua phần mềm, nhóm Zalo nhưng việc có thực hiện nghiêm việc cách ly, điều trị tại nhà hay không thì đúng là tuyến y tế cơ sở không đủ thời gian, nhân lực để quản lý.

Thế nên mới cần sự vào cuộc của toàn thể các lực lượng, từ lãnh đạo thôn, khu dân cư, tổ "Covid cộng đồng" để tham gia theo dõi F0 điều trị, cách ly tại nhà. Nhưng thực tế có không ít tổ "Covid cộng đồng" chỉ còn tồn tại trên giấy. Việc không có chế độ mà chỉ nhận được ít kinh phí hỗ trợ khiến họ không mặn mà và phát huy hết trách nhiệm. Nhiều thành viên các tổ "Covid cộng đồng" là lao động chính, họ phải làm việc để có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã từng chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu sử dụng đa dạng các nguồn lực hỗ trợ các "tổ Covid cộng đồng", để họ phát huy hết tinh thần trách nhiệm vì thực tế đã chứng minh vai trò của lực lượng này rất quan trọng. Tuy nhiên, đến nay số địa phương có những hình thức hỗ trợ còn chưa nhiều, chưa đủ để giúp họ chuyên tâm làm nhiệm vụ.

Số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, F0 không khai báo liệu có vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương? Chắc chắn là có.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố vừa qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng từng nhận định một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh thời gian qua tăng cao là do Ban chỉ đạo ở một số nơi, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, có tư tưởng chủ quan. Trước khi Nghị quyết 128 ra đời, Ban chỉ đạo phòng chống dịch nhiều nơi làm việc rất tâm huyết, trách nhiệm. Ở một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo các cấp gần như ngày nào cũng đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở. Không chỉ kiểm tra ban ngày mà còn đột xuất kiểm tra cả ban đêm. Nơi nào lơ là, thiếu chủ động sẽ bị phê bình, nhắc nhở ngay. Bây giờ chuyển sang trạng thái bình thường mới, Ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp huyện và xã vẫn nên duy trì việc này. Khi người đứng đầu các địa phương tiếp tục coi trọng thực hiện "5 rõ" trong phòng chống dịch thì cấp dưới mới không lơ là.

Đợt dịch cuối năm 2021, xã An Thanh (Tứ Kỳ) là một trong những địa phương có nhiều F0, F1. Đảng ủy xã giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên phải đi cơ sở kiểm tra hằng ngày, kịp thời nhắc nhở nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Chi ủy các thôn của xã này giao trách nhiệm cho từng đảng viên quản lý, theo dõi từ 1-2 gia đình có người là F0, F1. Tinh thần đảng viên đi trước trong phòng chống dịch như ở xã An Thanh nếu được các địa phương áp dụng, duy trì trong giai đoạn hiện nay có lẽ sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình hình, giảm số ca mắc mới.

Một trong những biện pháp cốt lõi vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch Covid-19. Chiến lược tuyên truyền cần hướng đến việc cảnh báo từ những người trẻ khỏe, đã tiêm đủ liều vaccine mà vẫn mắc Covid-19 nặng hay những di chứng do dịch bệnh nguy hiểm này gây ra... Tuyên truyền theo hướng rõ việc, rõ người, rõ hậu quả sẽ giúp người dân cảnh tỉnh, tự giác khai báo y tế khi trở thành F0.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    F0 không khai báo y tế