Giữ chân cán bộ có năng lực tốt

20/07/2022 08:26

Mặc dù nhiều cơ quan, đơn vị và các tỉnh, thành nói chung đều có chính sách thu hút nhân tài, thu hút cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để cống hiến, phục vụ nhân dân, thế nhưng tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn ngày càng trầm trọng, dẫn tới nhiều nơi thiếu cán bộ làm việc.

Lý giải cho nguyên nhân nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ việc, không ít người cho rằng, đó là do thu nhập của họ quá thấp. Thực tế hiện nay, thu nhập của cán bộ công chức khá thấp so với thu nhập từ các đơn vị ngoài công lập. Đơn cử như ở ngành giáo dục, nếu một giáo viên có thâm niên khoảng 15 năm thì tổng thu nhập từ lương và phụ cấp chỉ ở mức 7 - 8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, làm sao để họ có thể yên tâm cống hiến cả tâm trí, sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục khi họ còn phải lo cho gia đình, con cái? Chưa kể, nếu một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường, sau khi được ký hợp đồng dài hạn, mức lương chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập thấp, thế nhưng nhiều cán bộ, công chức còn phải đối mặt với quá tải công việc. Hầu như hiện nay các cơ quan, đơn vị đều phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm số người làm việc. Nhân sự ít đi trong khi đầu việc vẫn như thế, thậm chí là tăng lên, cùng với đó là cả số lượng phục vụ cũng tăng lên (vì dân số tăng lên mỗi năm chứ không giảm đi).
Không chỉ vậy, thực tiễn cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù đã thu hút được một số người giỏi về làm việc với các chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn, nhưng sau thời gian ngắn, không ít người trong số họ lại tìm đường ra đi. Những lý do không kém phần quan trọng khác khiến cơ quan nhà nước không giữ được chân cán bộ xuất phát từ cơ chế, môi trường làm việc và chính từ người quản lý.

Nhiều cơ quan, đơn vị chưa coi trọng năng lực của cán bộ, công chức; bố trí, sử dụng cán bộ không hợp lý, nhiều nơi có nhân sự đông nhưng số người làm việc thật sự lại ít; những cán bộ, công chức có tâm huyết, có năng lực chuyên môn và làm việc tốt lại chưa được khen thưởng, động viên kịp thời… Chưa kể một số nơi, còn có tình trạng trù dập cán bộ và tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền làm nảy sinh tiêu cực ngay trong nội bộ. Bên cạnh đó, việc đề bạt cán bộ, tuy có theo quy trình, nhưng vẫn còn dân chủ hình thức, chưa thực sự chọn ra người có tài, đức hoặc làm theo diện “gởi gắm”… dẫn đến môi trường làm việc bị gò bó, mang tính áp đặt, thiếu động lực cho cán bộ, công chức phát triển.

Áp lực công việc cao cộng với mức thu nhập thấp cùng với môi trường làm việc “ngột ngạt” đã khiến nhiều người phải rời bỏ công việc đang làm để tìm đến một công việc mới tốt hơn. Đó là điều tất yếu!

Để giữ chân được cán bộ, cần có những giải pháp giúp họ an tâm, phát huy được năng lực chuyên môn, cống hiến nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước.

Điều đầu tiên là phải tính đến việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức bằng những cơ chế, chính sách mới. Đây cũng là giải pháp hạn chế tình trạng thoái hoá, biến chất của cán bộ dẫn tới hành vi tham nhũng “vặt”, tham nhũng hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để vụ lợi cá nhân…

Cần tạo lập môi trường làm việc thông thoáng, dân chủ thật sự. Bởi hiện nay, nhiều nơi chưa thật sự tạo ra môi trường cần thiết cho việc dụng tài, phát huy sự sáng tạo, sự say mê và khát khao cống hiến của những người tài năng cho công việc chung. 

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng tạo lập nên môi trường làm việc tốt để mỗi cá nhân làm việc và cống hiến chính là không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin từ lãnh đạo. Lãnh đạo phải dám làm, dám chịu trách nhiệm; tin tưởng ở cán bộ, tạo mọi điều kiện để cán bộ chủ động, phát huy sáng tạo và chịu trách nhiệm về kết quả công việc; tập thể phải tin tưởng vào cán bộ và ủng hộ họ, làm việc cùng họ để cùng đạt được mục tiêu...

MINH THUYẾT(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ chân cán bộ có năng lực tốt