Không lặp lại bài học như Bình Dương, Bộ Y tế

06/12/2021 17:40

Đảng đã "bắt đúng bệnh" của không ít cán bộ, đảng viên đứng đầu các bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Nhưng để kiểm soát việc thâu tóm quyền lực của cán bộ, đảng viên đứng đầu các bộ, ngành vẫn còn vô vàn khó khăn.

Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa ban hành văn bản số 02 hướng dẫn quy định 37 của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm. 

Theo đó, đảng viên không được thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng, đất nước.

Quy định này một lần nữa thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực cán bộ như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ".

Đảng đã "bắt đúng bệnh" của không ít cán bộ, đảng viên đứng đầu các bộ, ngành, địa phương hiện nay. Họ là người nắm quyền lực lớn trong tay, nếu không kiểm soát rất dễ dẫn tới hành vi thâu tóm quyền lực, bị quyền lực tha hóa. 

Thực tế nhiều cán bộ, đảng viên khi ngồi vào vị trí trưởng ngành như bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng các bộ đã có biểu hiện lạm dụng chức vụ, cài cắm người nhà, người thân vào bộ máy để thâu tóm quyền lực, làm lợi cho bản thân, gia đình, dòng tộc và nhóm lợi ích sân sau.

Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật một số cán bộ đầu ngành, đầu tỉnh đương chức. Các sai phạm của bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, hay bà Nguyễn Thị Kim Tiến thời kỳ làm bộ trưởng Bộ Y tế đã kéo dài nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời. 

Bộ máy kiểm tra, giám sát của Đảng ở cơ sở bị tê liệt, phải đến khi Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc, các sai phạm mới được làm rõ, người đứng đầu mới bị xử lý kỷ luật, kéo theo hàng loạt cán bộ cấp dưới bị kỷ luật.

Nó cũng cho thấy việc kiểm soát hành vi thâu tóm quyền lực của cán bộ, đảng viên đứng đầu các bộ, ngành, địa phương vô cùng khó khăn. Người đứng đầu thường quyết định dưới danh nghĩa tập thể. Nhưng ở cấp tỉnh, khi bí thư, chủ tịch có ý kiến chỉ đạo, định hướng thì các đồng chí thường vụ tỉnh ủy không thể nói ngược lại. 

Ở các bộ khi bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo, định hướng thì các thành viên ban cán sự đảng cũng khó nói khác.

Để kiểm soát việc thâu tóm quyền lực của cán bộ, đảng viên đứng đầu các bộ, ngành, Đảng cần quy định rõ người đứng đầu không được đưa ra ý kiến định hướng, chỉ đạo trước khi họp bàn các vấn đề. Phải để tập thể có ý kiến trước, sau khi bàn bạc dân chủ thì người đứng đầu mới được kết luận, chỉ đạo.

Thứ hai, các cuộc họp bàn, quyết định các vấn đề lớn của bộ, ngành, địa phương phải minh bạch, được ghi âm lại, bảo đảm khi có vấn đề các cơ quan kiểm tra, giám sát Đảng dễ dàng kiểm tra, làm rõ sai phạm, quy trách nhiệm từng cá nhân.

Thứ ba, cơ quan kiểm tra, giám sát Đảng ở trung ương, địa phương, các bộ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát quyết định của người đứng đầu. Ít nhất 3 tháng phải kiểm tra, rà soát hoạt động điều hành của người đứng đầu một lần, xem các quyết định đó có thực sự công tâm.

Thứ tư, khoảng 6 tháng đến 1 năm cần lấy ý kiến tập thể định kỳ về hoạt động điều hành của người đứng đầu xem có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền hay không, nếu có phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay.

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ cơ chế nhân danh tập thể khi quyết định các vấn đề của bộ, ngành địa phương. Bởi khi người đứng đầu sử dụng quyền lực khống chế thì tập thể sẽ trở thành một đám ăn theo, nói leo, nịnh bợ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lặp lại bài học như Bình Dương, Bộ Y tế