Nghề cao quý

20/11/2022 08:08

Đọc cuốn sách “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy - một nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20 mượn từ Thư viện tỉnh tôi không khỏi tò mò về nghề giáo xưa và nay.


Ảnh minh họa

Cụ Hoàng Đạo Thúy xác định mục đích của nghề giáo là “Đem lũ trẻ con người ta trao cho mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất". Cho đến nay, mục đích của nghề giáo vẫn còn nguyên giá trị. Những người thầy đến với nghề này không chỉ để làm công ăn lương mà còn mong muốn mang đến những giá trị cao cả hơn là rèn đức, luyện tài cho thế hệ tương lai.

Khoa học-kỹ thuật phát triển đến đâu cũng không thể thay thế vai trò và vị trí của người thầy. Thầy cô là những người dẫn dắt, mở đường. Khoa học-công nghệ chỉ hỗ trợ, giúp thầy cô cũng như học trò tiếp cận kiến thức nhanh chóng, dễ dàng và vận dụng vào cuộc sống hiệu quả hơn.

Có vai trò quan trọng và mang trên mình sứ mệnh cao cả như vậy nhưng tại sao 16.000 nhà giáo bỏ việc trong năm 2022, bình quân cứ 100 giáo viên thì có 1 người bỏ việc? Con số này được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thông báo tháng 9 vừa qua khiến không ít người lo lắng.

Câu chuyện vừa xảy ra ở Hà Tĩnh kể ra lúc này sẽ không vui khi sắp đến ngày tri ân các thầy giáo, cô giáo nhưng lý giải được một phần nguyên nhân và cần phải nói để thấu hiểu họ hơn. Chỉ vì nhà trường phát loa nêu tên 2 học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế mà phụ huynh của các em mang dao vào trường đe dọa, bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi. Còn gì buồn hơn khi chính những thầy cô bị phụ huynh xưng "tao, mày" và bắt phải quỳ gối xin lỗi. Như thế còn gì là “tôn sư trọng đạo”?

Nhà giáo bây giờ có lẽ phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, nhiệm vụ ngoài chuyên môn của mình. Ngoài chấm bài, soạn giáo án để lên lớp, giáo viên còn phải phụ trách thu đủ các loại tiền nào là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền ăn bán trú, tiền học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài… Đủ các thứ tiền phải lập danh sách, nhắc nhở học sinh, phụ huynh… Vì thêm nhiều việc ngoài chuyên môn lại thiếu kinh nghiệm nên có giáo viên đã phải bỏ đồng lương ít ỏi của mình ra để bù vào khi thu bị thiếu. Trong khi thực tế thu nhập của nhà giáo hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống.

Gần đây cũng có không ít “con sâu bỏ rầu nồi canh” trong ngành giáo dục khi lợi dụng nghề nghiệp ép buộc học sinh phải học thêm, lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân. Nhưng phải khẳng định đó không phải là tất cả.

Để thầy cô thực sự làm tròn sứ mệnh ấy ngoài sự nỗ lực từ bản thân mỗi nhà giáo, từ sự hoàn thiện nhân cách, chuyên môn từng ngày, họ cần có được sự tin cậy và bao dung để có thêm nhiệt huyết với nghề. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến cuộc sống của giáo viên. Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023 là động lực để thầy cô tiếp tục bám trụ với nghề nhưng vẫn chưa đủ, nhà giáo cần sự thấu hiểu, tin yêu của cả học trò, phụ huynh và những hành động thiếu "tôn sư trọng đạo" trong môi trường giáo dục cần được loại bỏ.

Đọc xong cuốn sách của cụ Hoàng Đạo Thúy sau gần 80 năm xuất bản và ngẫm về nghề giáo ngày nay tôi đã phần nào trả lời được câu hỏi của mình. Dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì địa vị của nhà giáo vẫn luôn được đề cao, trân trọng và mỗi nhà giáo vẫn mang trên mình sứ mệnh tạo nguồn nhân lực tốt cho đất nước, nguyên khí mạnh cho quốc gia. Nghề giáo luôn là nghề cao quý!

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề cao quý