Nhận thức thống nhất, hiểu đúng về suy thoái trong Đảng

03/08/2022 07:55

Chỉ có thường xuyên chỉnh đốn Đảng mới làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tranh minh họa (nguồn: internet)

Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ, tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu tự thân của một đảng chân chính và cách mạng. Bác nói rằng: “Đảng sống trong xã hội là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng”.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng của Bác phải trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn.

Thực tế thời gian qua đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đảng ta đã có nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, xử lý nghiêm khắc nhiều vụ việc.

Tuy nhiên, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 27 biểu hiện đã được Đảng ta chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, có thể diễn ra đối với tất cả mọi đảng viên, chứ không chỉ riêng các đảng viên có chức, có quyền. 

Ở nhiều nơi tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên rất hạn chế. Nhiều người mắc bệnh nể nang, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Ở các chi bộ thôn, khu dân cư, việc chủ động nhận nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ cho đảng viên gặp nhiều khó khăn, vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên chưa tốt. Nguyên nhân do đảng viên phần lớn là người nghỉ hưu nên mang tâm lý nghỉ ngơi, có bộ phận thì thu mình lại, không muốn tham gia các hoạt động, các phong trào của địa phương. Một số đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, không gương mẫu, thậm chí không bằng quần chúng, có tình trạng theo đuôi quần chúng, phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng. Lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. 

Nhiều đảng viên nghỉ hưu quan tâm đến chính trị nhưng bị tác động bởi nhiều yếu tố của xã hội, nhiều nguồn thông tin, nhất là các nguồn thông tin không chính thống mang tính tiêu cực nên có những suy nghĩ, hành động và ứng xử không đúng… như thời còn công tác. Trong khi đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho đảng viên chưa thường xuyên, thậm chí một số nơi còn xem nhẹ.

Những biểu hiện trên đang xuất hiện trong nhiều chi bộ, nhất là ở các thôn, khu dân cư. Nếu soi vào 27 biểu hiện của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì những đảng viên đó đã suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những mức độ và khía cạnh khác nhau nhưng lại không nhận thức được, vẫn cho là mình không suy thoái. Những biểu hiện đó đã ảnh hưởng và gây tác hại không nhỏ, nhất là hình ảnh và uy tín của tổ chức Đảng ở các địa phương. Do đó, cần có sự nhận thức thống nhất và đúng đắn về sự suy thoái trong các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng.
Để thống nhất nhận thức và hiểu đúng về sự suy thoái của cán bộ, đảng viên, trước hết, mỗi người cần nghiên cứu, quán triệt để nhận thức đúng về sự suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra. Qua đó, mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình, đánh giá, lục vấn lương tâm, để học tập, tu dưỡng, rèn luyện vì sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức, cá nhân, của Đảng và sự phát triển của đất nước.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận thức thống nhất, hiểu đúng về suy thoái trong Đảng