Nỗi lo giải ngân vốn đầu tư công chậm

22/09/2022 11:58

Sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19, đời sống người dân gặp không ít khó khăn, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang yếu, vì vậy vốn đầu tư công được doanh nghiệp, người dân rất kỳ vọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vậy, hiện nay việc giải ngân nguồn vốn này ở Hải Dương chậm và đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành trong những tháng còn lại của năm. Nếu Hải Dương không sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì hệ lụy của nó sẽ còn ảnh hưởng sang cả những năm tới.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến hết ngày 31.8, tổng vốn đầu tư công (gồm ngân sách Trung ương và tổng ngân sách địa phương) giải ngân được hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch vốn giao cả năm. Tổng vốn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 2.636 tỷ đồng, đạt 48,57%. Giải ngân đầu tư công từ ngân sách cấp tỉnh đạt hơn 726 tỷ đồng, tương đương 36,42% kế hoạch. Những con số này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện nay không bảo đảm tiến độ. Trong khi đó, rất nhiều công trình, dự án đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng nằm chờ vốn. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng, liệu tỉnh nhà có hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch?

Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là chuyện mới, mà nó là chuyện của nhiều năm nay mặc dù tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tháo gỡ và đã có những hiệu quả nhất định. Vậy tại sao việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay chậm? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo quan điểm của người viết thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên do hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đang có tâm lý “sợ sai”, sợ trách nhiệm. 

Lo lắng là đúng và có cơ sở khi có rất nhiều quy định, thông tư hướng dẫn chồng chéo, dẫn đến việc triển khai khó thực hiện hoặc rất dễ dẫn đến làm sai. Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước cũng đã có những quy định, cơ chế để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong rất nhiều lần làm việc, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến việc nếu ai không dám làm việc thì có thể “đứng sang một bên” để người khác làm. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần sớm khắc phục và loại bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm để thực thi chức trách nhiệm vụ tốt hơn.

Trong vài năm trở lại đây, để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, không bảo đảm tiến độ theo lộ trình kế hoạch, Trung ương và địa phương đã có nhiều biện pháp rất quyết liệt, hiệu quả. Điển hình như việc chỉ khởi công dự án khi đã bố trí được vốn; kiên quyết điều chuyển vốn cho nơi khác khi địa phương hoặc bộ, ngành nào đó không bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trung ương sẽ xem xét, cắt giảm việc phân bổ vốn đầu tư công cho các tỉnh hoặc các bộ, ngành trong những năm tiếp theo nếu năm trước đó không bảo đảm giải ngân vốn theo kế hoạch mà không có lý do chính đáng. Những biện pháp quyết liệt đó của Trung ương càng cho thấy nỗi lo rất lớn nếu tỉnh ta không có ngay các giải pháp hiệu quả để giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo giải ngân vốn đầu tư công chậm