Phố đi bộ, sự lôi cuốn từ những giá trị cũ

01/04/2023 07:44

Người dân Hải Dương kỳ vọng phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng sẽ mang đến không gian mới, hấp dẫn để thư giãn mỗi dịp cuối tuần.

Khu vực TP Hải Dương sẽ tổ chức phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng

Sự kiện TP Hải Dương chuẩn bị khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng vào dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 tới đang được nhiều người háo hức chờ đợi.

Với nhiều người, phố đi bộ chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã hình thành những tuyến phố như thế từ lâu. Thậm chí, TP Huế mới đây đã khai trương phố đi bộ thứ ba. Với người coi đi bộ như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thì phố nào cũng có thể trở thành phố đi bộ nếu vỉa hè đủ rộng và an toàn cho người đi.

Vậy việc khai trương phố đi bộ tới đây có gì để người ta phải háo hức?

Có ý kiến cho rằng, ở nơi vốn ít công viên và điểm vui chơi như TP Hải Dương thì có phố đi bộ, chợ đêm là có thêm một chỗ để thư giãn. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố tổ chức phố đi bộ như một không gian văn hóa, một khu vực để mua sắm, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Ý tưởng về phố đi bộ cho TP Hải Dương đã có cách đây vài năm nhưng giờ mới có cơ hội trở thành hiện thực nhờ quyết tâm của các cấp lãnh đạo nên nhiều người tò mò, háo hức chờ đợi là điều dễ hiểu.

Tôi thì lại nhìn phố đi bộ ở khía cạnh khác. Đó là sự trở lại của một giá trị cũ đang bị cuộc sống hiện đại đẩy lui vào quá khứ. Thử nghĩ xem, cách đây 40-50 năm, khi xe đạp vẫn còn là mặt hàng xa xỉ, khi việc di chuyển của chúng ta chủ yếu là đi bộ, ai cũng mong có xe để đi. Rồi xe đạp, xe máy, ô tô càng ngày càng trở nên phổ biến, đến nỗi ra khỏi nhà là người ta đi xe. Khi ấy việc đi bộ lại trở thành chuyện hiếm nếu phải di chuyển một quãng đường dài. Vì thế, đến phố đi bộ, người ta không chỉ dạo phố, thưởng lãm cuộc sống về đêm mà còn có thể hoài niệm một thời đã qua trong không gian hiện đại ngày nay. Phố đi bộ giữa lòng đô thị hiện đại cũng như những lá thư viết tay giữa thời bùng nổ công nghệ thông tin với rất nhiều phương thức liên lạc hiện đại. Và cũng có thể, như nhiều người sau khi dùng chán các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt lại thích quay trở về với các sản phẩm được làm thủ công, người ta mong có chỗ để đi bộ cho thư thả khi cả tuần, cả ngày ngồi ô tô, xe máy.

Nhưng nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu đi bộ cho thư thả của người dân thì tôi tin rằng chỉ sau lễ khai trương vài ngày, người ta sẽ thôi không đến phố đi bộ nữa dù phố vẫn mở cửa đón khách vào cuối tuần. Vì sao? Vì chỉ những gì độc đáo, khác biệt mới thu hút người tham quan dài lâu. Hôm nay bạn đến phố đi bộ được ngắm những mặt hàng này, thưởng thức sản phẩm kia. Ngày mai cũng vẫn là những thứ ấy, vẫn phố Bạch Đằng, Chương Dương, vẫn con sông Sặt ngày nào cũng đi qua thì cần gì phải đến chỉ để đi bộ khi đã thưởng lãm tất cả những gì mới mẻ ở đây?

Hải Dương không phải thành phố du lịch như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… nên chuyện thu hút khách ngoại tỉnh đến phố đi bộ sẽ không nhiều. Làm thế nào để phố đi bộ, chợ đêm vẫn hút khách nội tỉnh lâu dài sau khai trương mới là vấn đề khó và cần tính toán. Theo tôi, việc cần làm là thường xuyên tạo ra sự mới mẻ, độc đáo cho phố đi bộ từ những hoạt động văn hóa hằng tuần ở đây. Đó có thể là các hoạt động trải nghiệm để khách tham quan được trở về quá khứ khi đến với phố đi bộ. Đó là việc trang trí, thiết kế, tổ chức các triển lãm, trưng bày để phố đi bộ trở thành điểm check-in hấp dẫn với giới trẻ… Lẽ dĩ nhiên, cùng với các hoạt động văn hóa có thể kết hợp các hoạt động kinh doanh phù hợp với chất lượng dịch vụ tốt, phục vụ nhu cầu của khách tham quan.

Xây dựng tuyến phố đi bộ cho thành phố là cần thiết và cần hơn là để sau khi xây dựng, phố đi bộ không chìm vào quên lãng, để người dân đô thị loại I được nâng cao đời sống tinh thần.

 HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phố đi bộ, sự lôi cuốn từ những giá trị cũ