Quan tâm những mong mỏi, khắc khoải của người có công

23/07/2022 09:25

Thấm nhuần đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay sẽ làm nên sức mạnh tổng hợp để cuộc sống của người có công, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đủ đầy, ấm áp hơn.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022) ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) ngày 9.7 vừa qua, một chiến binh già đã thay mặt đồng đội bày tỏ về việc máy giặt tại trung tâm có hỏng hóc, muốn xin máy giặt mới. Đáp lại mong mỏi của ông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước đồng ý với đề nghị trên và trao tặng 100 chiếc máy giặt mới để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tại trung tâm. Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là món quà tri ân của Đảng, Nhà nước tới những người lính bộ đội Cụ Hồ đang sinh hoạt tại đây.

Đây là điều vô cùng ý nghĩa đối với những thương binh tại trung tâm này bởi đã được người đứng đầu Nhà nước quan tâm, thăm hỏi, được nói lên mong mỏi của mình và được giải quyết ngay điều cần kíp trong cuộc sống.

Không chỉ với những thương binh ở trung tâm trên, còn rất nhiều người có công, gia đình chính sách có những mong mỏi, thậm chí là khắc khoải được quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên, những người đứng đầu các cơ quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của họ. Một số người hiện nay vẫn phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp khi tuổi đã già, bản thân đau yếu, những vết thương do chiến tranh để lại vẫn nhói buốt hằng ngày. Còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để hưởng chế độ. Còn nhiều liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những thương binh, bệnh binh phải gồng gánh 2-3 người con cùng nhiễm chất độc da cam/dioxin...

"Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước". Đó là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Và nhiều năm nay, mỗi cơ quan, tổ chức từ Trung ương xuống đến tận cơ sở và rất nhiều cá nhân bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, đã tích cực chung tay chăm lo cho người có công. Những ngôi nhà tình nghĩa được sửa sang, xây dựng; những đợt khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí hay đơn giản là đến dọn dẹp nhà cửa, nấu cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng bữa cơm rồi quây quần chuyện trò với Mẹ... là những việc làm ấm tình chúng ta đã và đang làm bên cạnh các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Nhưng để làm tốt hơn nữa những việc này, để cuộc sống của người có công và gia đình họ bớt khó khăn cần sự quyết tâm hơn nữa của mỗi cấp ủy, chính quyền, những cán bộ làm chế độ cho người có công. Việc rà soát, phát hiện các trường hợp thuộc diện chính sách, người có công còn tồn sót, hướng dẫn kê khai, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để họ được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi phải luôn thường trực, thường xuyên.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc tiếp tục huy động sự chung tay, xã hội hóa thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công để không còn ai phải ở trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, ngoài chế độ phụng dưỡng theo quy định, cần có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo sức khỏe, từng bữa ăn, giấc ngủ cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, để các mẹ luôn ấm lòng, sống vui, sống thọ hơn... 

NGÂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm những mong mỏi, khắc khoải của người có công