Rung lắc thị trường vốn

26/09/2022 09:00

“Chúng ta phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước có một cách nào đó không đau đớn để làm điều này. Nhưng đã không có”.

Đây là câu nói "nóng" nhất thị trường tài chính tiền tệ thế giới ít ngày qua của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua, ngày 21.9, FED quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là lần thứ 5 trong năm nay FED tăng lãi suất. 

FED tăng lãi suất khiến chi phí vay tiền của người dân Mỹ đắt đỏ hơn. Dòng tiền vay của thị trường tài chính Mỹ ít hơn, từ đó giảm lạm phát. Tuy nhiên, “quả bóng” lạm phát lúc này lại bị đá sang phần còn lại của thế giới, chịu tác động nặng nề nhất là nhóm các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.


Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC

FED tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, tăng giá cả những hàng hóa được định giá bằng USD, tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá. Vòng xoáy này khiến tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với USD đã tiến sát ngưỡng 4% chỉ sau 9 tháng năm 2022. Thậm chí, ngày 16.9 tỷ giá ở mức 23.650 đồng/USD, mức mất giá thấp nhất kể từ năm 1993.

Tỷ giá ngoại tệ tăng sẽ kích thích xuất khẩu? Điều này đúng, song khi tỷ giá bị “trôi” sẽ để lại hệ lụy vô cùng lớn. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa nhập khẩu tăng, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về lạm phát theo thời gian, bào mòn thành quả tăng trưởng kinh tế.

Động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mới đây, lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên kể từ tháng 9.2020 và là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2016 thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển ra khỏi Việt Nam. Tăng lãi suất càng nhiều càng giữ được tỷ giá, càng tránh được sự chuyển dịch của dòng vốn và kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành này, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Ngân hàng có thêm vốn, người gửi tiền hưởng lợi nhưng cái giá phải trả là chi phí vốn vay doanh nghiệp cao hơn, khiến nguy cơ kinh tế trong phạm vi nào đó sẽ tăng trưởng chậm lại.

Lãi suất huy động tăng nghĩa là chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng. Điều dễ hiểu là lãi suất cho vay khó có thể giữ yên chứ đừng nói đến việc giảm. Doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng vốn vay ngân hàng cao, nhất là vốn lưu động sẽ đối mặt rủi ro khi chi phí lãi vay tăng.

Ngân hàng Nhà nước không điều hành lãi vay vì đây là thỏa thuận giữa các ngân hàng và khách hàng. Điều này có thể khiến thị trường vốn đối mặt nguy cơ rung lắc mạnh thời gian tới, nếu các ngân hàng không chấp nhận “hy sinh”. Người đi vay vẫn được vay với lãi suất không đổi trong khi người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn, như thế biên lãi thuần của ngân hàng sẽ bị thu hẹp lại. Chêch lệch giữa lãi suất huy động và cho vay quá hẹp rất có thể ảnh hưởng tới chi phí hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mà hệ thống ngân hàng cần chung tay, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân trong thời điểm hiện nay. Bình ổn lãi suất cho vay là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân. 

Đương nhiên, để giảm biên lợi nhuận nhưng vẫn bảo đảm hoạt động, các ngân hàng phải cắt giảm một số khoản chi phí, kể cả các khoản thưởng cho nhân viên. Trong thách thức chung ấy, cộng đồng doanh nghiệp cần thấu hiểu, san sẻ một phần khó khăn. Ngoài trách nhiệm sử dụng vốn vay hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí quản lý. Các bộ, ngành cần tăng tốc tối đa việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất, tăng cường chỉ đạo, rà soát giảm các khoản thuế, phí, lệ phí...

Nói thì dễ, làm mới khó. Dưới áp lực từ biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới, khả năng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng, nhất là những tháng cuối năm, khi room tín dụng các ngân hàng không còn nhiều. Người dân, doanh nghiệp cần chủ động, chuẩn bị và chấp nhận bước vào giai đoạn mới của thị trường vốn, giai đoạn “tiền đắt”.

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rung lắc thị trường vốn