"Sao kê" để nhẹ lòng từ thiện

19/07/2022 16:54

Thông tư số 41 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Trước đó, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định khuyến khích cá nhân quyên góp, huy động làm từ thiện minh bạch, giải trình rõ ràng. 

Những người điều hành các quỹ thiện nguyện, hoạt động xã hội đã thở phào, nhẹ người với những hành lang pháp lý sẽ bảo vệ và trợ giúp họ rất nhiều này.

Hẳn chúng ta chưa quên những câu chuyện của ngày này năm ngoái: cơn ác mộng với barie, đồ bảo hộ, phiếu đi chợ, rau gạo, máy thở, con số tử vong, đường phố chỉ có lực lượng chống dịch và người làm thiện nguyện. 

Những người thiện nguyện như con thoi chở rau, chở gạo, chở cơm hộp, bánh mì, chở oxy, máy thở đến mọi ngõ ngách, mọi bệnh viện dã chiến. Những quỹ từ thiện hoạt động trên mạng không ngừng nghỉ, biến tấu nhiều hình thức từ quyên góp tiền tới quyên góp hàng, từ bán đấu giá tới biểu diễn trực tuyến... 

Nhưng không ai nhắc đến một tâm tư của những người đã dũng cảm đứng ra làm thiện nguyện ngày này năm ngoái: dũng cảm không chỉ vì họ tự nguyện lao vào tâm dịch, mà còn là dũng cảm khi đứng ra nhận quyên góp ngay giữa "cơn bão sao kê", ghi chép tỉ mỉ các khoản thu - chi trong những ngày ấy cũng cuồn cuộn không kém gì bão Covid-19.

Là một trong những người tham gia, tôi hiểu rõ sự nặng lòng ấy. Cả nhóm chúng tôi quên ăn quên ngủ ôm máy tính ngày đêm để cập nhật từng khoản đóng góp, tìm kiếm trên thị trường từng chiếc máy thở, từng thùng đồ bảo hộ, khẩu trang để có thể mua được nhanh nhất, nhận hàng sớm nhất, chuyên chở giữa thành phố phong tỏa hoàn toàn tự lực và bằng chi phí cá nhân, có kế toán riêng theo dõi từng khoản thu - chi, bảng sao kê công khai hoàn toàn trên mạng... 

Đã hết mình và đầy trách nhiệm nhưng các bạn vẫn phải lo lắng khi chứng kiến nhiều người nổi tiếng và cả các chính quyền địa phương bị cuốn vào "bão sao kê". 

"Nhớ lấy giấy xác nhận. Thư cảm ơn đề nghị ghi thật cụ thể số hàng", các bạn thường xuyên nhắc tôi - những ngày ấy đóng vai người vận chuyển. 

Quả thật, việc thu thập chứng từ đầy đủ không đơn giản. Khúc mắc đến từ mọi phía: bệnh viện dã chiến chưa đủ bộ phận văn phòng, lãnh đạo thay đổi liên tục, thư ký, kế toán đều quá bận rộn và từ cả thói quen giao - nhận chỉ bằng cái bắt tay, nhất là giữa cảnh nước sôi lửa bỏng. 

Đến ba tháng sau khi cơn dịch dịu bớt, tôi mới có thể yên tâm là đã thu nhận được đủ biên nhận cho số hàng chuyển đi.

Nhắc như vậy để thấy hành lang pháp lý với những quy định rõ ràng, cụ thể sẽ trợ giúp rất nhiều cho người làm thiện nguyện trước giờ vốn chỉ dựa vào chính tấm lòng mình. Chỉ tấm lòng thôi sẽ có lúc bị lầm lẫn, bị lợi dụng, bị nghi ngờ, bị phá hoại. 

Những quy định pháp lý sẽ bảo vệ cho sự tử tế, yêu thương của người đóng góp, sự cống hiến minh bạch, ngay thẳng của người tổ chức, sự cam kết sử dụng hiệu quả món quà của người nhận. 

Sẽ không còn thói quen cho - nhận theo cảm tính tức thời nhưng sau đó để lại những khúc mắc, bận lòng. Việc từ thiện rồi cũng sẽ dần đi vào chuyên nghiệp như công tác xã hội, bên cạnh trợ giúp trong thời điểm ngặt nghiệt, sẽ còn nâng dậy được những số phận, hàn gắn được cộng đồng. 

Có pháp lý, mỗi người tham gia đều sẽ được nhẹ lòng, yên tâm rằng việc làm tốt nhất định sẽ có kết quả tốt.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Sao kê" để nhẹ lòng từ thiện