Thóc mách chuyện "hàng xóm"

09/08/2022 15:08

Chiều muộn một ngày cuối tuần, tôi đi làm về tới đầu xóm thấy hai gia đình đang “diễn xướng” với nhau bằng những lời chua cay, thô tục.

Tôi vốn ít khi quan tâm tới chuyện của nhà hàng xóm nhưng ở tầm quốc gia như “Ai là người kế nhiệm cụ Tổng”, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và câu hỏi ai là người kế nhiệm” hay “Lộ diện người kế nhiệm Tổng Bí thư”… trên các nền tảng mạng xã hội lại khiến tôi để ý.

Trong số những bài đăng tràn lan trên mạng gần đây tôi chú ý đến bài bình luận của BBC “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và câu hỏi ai là người kế nhiệm” đăng ngày 7.5, trong đó có đoạn ông David Hutt dẫn lời giáo sư Carl Thayer từ Australia: “Trong tuần qua, tin đồn đã lan truyền trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài thù địch với chính quyền Việt Nam”… Ngay từ những dòng đầu tiên của bài viết này đã thấy rõ sự thật là “tin đồn đã lan truyền” chứ không phải theo thông tin từ cơ quan chính thống nào đó. Một câu chuyện “phiếm” chỉ bám vào tin đồn mà lại thu hút nhiều người theo dõi đã cho thấy những câu chuyện kiểu này không thể xem thường. Trên không gian mạng người ta thi nhau “câu view” để thu hút, quảng bá hình ảnh, trục lợi cá nhân cũng là chuyện bình thường trong thời đại 4.0. Thời điểm bài viết được đăng tải đang diễn ra Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng ta. Mặc dù không có sự thay đổi nào về công tác nhân sự của Đảng ta tại hội nghị này, nhưng những “võ đoán” của những chuyên gia có tiếng người nước ngoài lại như là sự thật, như chính những người trong cuộc trực tiếp tham dự hội nghị này nói ra. 

Trước hết có thể thấy sức hút của hai chữ “Việt Nam” trên trường quốc tế từ chính trị, tới kinh tế, văn hóa, xã hội… Việt Nam cũng đang là từ khóa sôi động trên không gian mạng. Điều này dễ hiểu khi Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặt hái được nhiều thành công vang dội, vị thế quốc gia chưa bao giờ lại cao đến vậy.

Thứ hai là, đây là thời điểm nhạy cảm khi Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đang diễn ra sẽ thu hút nhiều người quan tâm.

Thứ ba là, câu chuyện “phiếm” vô thưởng, vô phạt nhưng lại dễ đi vào lòng người bởi nó là hiện thân của thứ “dân chủ - nhân quyền” lưu manh làm cho mọi người mất cảnh giác, tin đó là sự thật.

Mục tiêu “như thật” của câu chuyện “phiếm” đã đạt được yêu cầu khi câu chuyện này lại là “cầu nối” để họ tung ra câu chuyện “câu view” tiếp theo ngay sau đó đại loại như các phe phái trong Đảng chưa thống nhất được nhân sự thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Cứ như vậy câu chuyện “thóc mách” nhà hàng xóm được bàn luận rôm rả, được phân tích nhiều chiều, được tiếp nối thành nhiều kỳ và thu hút ngày càng đông người theo dõi. Đáng chú ý là những bài viết này thường được thông qua các lăng kính của các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia có uy tín quốc tế để nâng tầm thông tin theo hướng khách quan, minh bạch, khoa học để lừa bịp, dẫn dắt bạn đọc theo chiều thông tin của họ. Xét về lợi ích kinh tế thì rõ ràng họ đã đúng khi thu về nguồn tiền được trả từ các nhà mạng bởi thu hút được nhiều lượt thích từ dân mạng. Xét về lợi ích chính trị thì họ đã thu hút, quy tụ được một lực lượng chống đối Đảng và nhà nước Việt Nam…

Cũng phải thừa nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các viện nghiên cứu quốc tế và câu chuyện bình luận quốc tế cũng có ở Việt Nam. Nhưng đó là những bình luận về các sự kiện có thật, dựa trên các nguyên tắc, cứ liệu khoa học, thực tiễn chứ không phải bình luận vô căn cứ giống như câu chuyện được trích dẫn ở trên. Xin được nói rằng ẩn đằng sau nhiều bài viết này là mưu đồ quấy phá làm rối loạn lòng tin, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm giảm uy tín của Đảng, của quốc gia từ đó làm suy yếu Việt Nam. Đất nước bị suy yếu thì “đồng tiền, bát gạo” trong mỗi gia đình đều bị ảnh hưởng và những hành vi tưởng như vô hại của nhiều người chính là “rước voi về giày mả tổ”.

ĐÀM TUẤN ĐẠT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thóc mách chuyện "hàng xóm"