Trở thành F0 rồi thì sao?

01/03/2022 07:00

Tuần trước, một bạn đồng nghiệp của tôi viết bài “Nếu một ngày trở thành F0”, tôi đã tự hỏi: “Trở thành F0 rồi thì sao?”.

Khi đó Hải Dương mỗi ngày thêm hơn 1.000 ca bệnh, ngày nhiều nhất chưa tới 2.000 ca. Tôi lúc đó cũng là một F1, hoang mang, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Càng lo hơn khi mỗi ngày lướt Facebook, Zalo lại thấy thêm người thân, bạn bè ở khắp nơi trong tỉnh thông báo tin mình mới “thăng hạng” thành F0. Dường như tâm lý “Rồi ai cũng đến lượt, chỉ là trước hay sau mà thôi” đang lan tỏa rất nhanh. Và rồi tôi và vài người thân trong gia đình lần lượt được “gọi tên”, gia nhập “đội quân F0”, nâng con số ca nhiễm trong ngày lên gần 3.000, Hải Dương xếp thứ 3 cả nước về số ca mắc Covid-19 mới.

Với một căn bệnh được thế giới coi là đại dịch thì việc bị “gọi tên” khiến tôi rất lo, nhất là khi con nhỏ nhà tôi dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhưng tôi cũng đã trấn tĩnh lại, cảm nhận rõ sự khác biệt của người đã được tiêm vaccine và chưa tiêm. Tôi và con lớn đã tiêm chỉ bị sốt nhẹ 1 ngày, rồi chuyển sang ho giống như những lần cảm cúm thông thường. Nhưng cháu nhỏ chưa tiêm thì khác hẳn, sốt cao hai ngày không dứt kèm theo các triệu chứng nôn ói, lơ mơ. Cũng may, mẹ con tôi đã vượt qua những ngày khó chịu nhất. Nhưng nhìn lại vẫn thấy sợ!

Trở thành F0, tôi mới thấy việc phòng chống dịch bệnh, điều trị cho F0 tại nhà hiện có nhiều điều đáng bàn. Đầu tiên là tuyến y tế cơ sở ở một số địa phương đang quá tải cần sự quan tâm tăng cường kịp thời. Như ở phường nơi tôi sinh sống, khi tôi tự test nhanh lên hai vạch (dương tính với SARS-CoV-2), gọi điện khai báo y tế thì được hướng dẫn tự test thêm lần nữa, nếu tiếp tục dương tính thì mang giấy tờ ra trạm y tế khai báo xin quyết định cách ly y tế. Sáng hôm sau, người nhà tôi mang giấy tờ ra khai báo mới thấy trạm khá đông người đến với cùng mục đích, nhiều người phải ra về chờ đến buổi khác ra xin giấy tờ. Mỗi F0 ngoài quyết định cách ly được phát thêm 1 tập giấy dày gồm: phiếu khai báo y tế ngày, bệnh án, phiếu chăm sóc, bảng theo dõi sức khỏe người nhiễm Covid-19 tại nhà; giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cách ly y tế tại nhà. Những xấp giấy này được phát để bệnh nhân tự khai rồi sau này mang ra trạm y tế phường nộp lại. Bệnh án cũng tự viết… Người dân tự chịu trách nhiệm nhưng không ai kiểm tra. Nghe nói trạm đã quá tải, có cán bộ y tế đã và đang là F0, nhiều thành viên tổ “Covid cộng đồng” khu tôi cũng đang là F0.

Một điều nữa không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác phải than thở bởi từ ngày thuộc diện nghi ngờ, rồi thành F0 là cả một quá trình “đau ví”. Riêng mua test nhanh cho các thành viên đã tốn tiền triệu. Mà giá test nhanh thì “nhảy múa” theo từng ngày. Có khi cùng một hàng mà sáng một giá, chiều đã lên cả chục nghìn đồng/test. Giá nhiều loại vật tư y tế khác đi kèm cho bệnh nhân mắc Covid-19 cũng “leo thang” và tuần qua có thời điểm đã “cháy hàng”. Ngoài những gia đình có F0 vội vã đi mua thuốc, nhiều nhà do lo ngại nên chủ động đi mua thuốc, test để tích trữ càng khiến thị trường thuốc, kit test Covid-19 thêm náo loạn. Lợi dụng bối cảnh ấy, có những nhà thuốc không niêm yết giá bán theo quy định. Thuốc được quảng bá trị Covid-19 không rõ nguồn gốc cũng đã bị phát hiện trên thị trường Hải Dương…

Nỗi khổ của F0 không chỉ là mệt mỏi vì bệnh tật mà còn cả nỗi lo về tinh thần. Điều mong mỏi nhất của chúng tôi là dịch bệnh mau chóng qua đi, những ai chưa bị “gọi tên” hãy cố gắng đừng để một ngày mình trở thành F0. Còn nếu không may bị “thăng hạng” như tôi, hãy bình tĩnh xử trí, lạc quan, bởi đó là liều thuốc tinh thần vô giá giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh!

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở thành F0 rồi thì sao?