Người lao động có quyền làm thêm ngoài giờ?

20/06/2021 17:08

Hỏi: Do Covid-19, tôi phải làm thêm ngoài giờ để đảm bảo cuộc sống gia đình nhưng bị công ty cấm vì lo ngại nhân viên nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến công ty.

Nếu tiếp tục làm thêm, tôi sẽ bị công ty cho nghỉ việc. Tôi phải làm sao bây giờ? Luật có cấm làm thêm hay không?

TUẤN QUANG (Cẩm Giàng)

Trả lời: Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp. Họ có thể làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ đâu, miễn không trái pháp luật.

Hiện pháp luật không cấm người lao động làm thêm công việc khác ngoài công việc chính. Vì vậy, người lao động có quyền làm đồng thời nhiều công việc tại cùng một thời điểm, chỉ cần đảm bảo việc không ảnh hưởng đến công việc chính.

Pháp luật cho phép người lao động làm đồng thời nhiều công việc một lúc, tuy nhiên việc bạn có hay không được làm việc ngoài giờ lại phụ thuộc vào hợp đồng lao động đã ký kết với công ty.

Công ty có quyền cấm người lao động đi làm thêm khi hai bên đã thống nhất thỏa thuận với nhau trong hợp đồng lao động điều khoản: "Người lao động không được phép làm thêm công việc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc chính". Như vậy, bạn phải dựa vào điều khoản trong hợp đồng lao động để biết mình có quyền làm thêm ngoài giờ hay không.

Nếu hợp đồng không có điều khoản này và việc làm thêm của bạn không ảnh hưởng đến công việc chính thì công ty không có quyền cấm bạn và hoàn toàn không có căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định, công ty chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động khi:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Người lao động không đủ sức khỏe để thực hiện công việc;

- Do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc cắt giảm nhân sự;

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu;

- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày liên tục trở lên;

- Người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng lao động.

Nếu sa thải người lao động vì lý do không chính đáng, công ty phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết, phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng lương theo hợp đồng lao động.

Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, công ty phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày đối với hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và 3 ngày đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng. Nếu vi phạm quy định này, công ty phải trả cho người lao động khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

Nếu người lao động quay trở lại làm việc, người này phải hoàn trả cho công ty các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, các khoản trợ cấp khác đã nhận của công ty. Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc, công ty phải thanh toán hết tiền lương, bảo hiểm và thêm khoản trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng, theo điều 46 Bộ luật Lao động 2019.

Trường hợp công ty không muốn nhận lại người lao động và người này đồng ý thì hai bên phải thỏa thuận khoản tiền bồi thường cho người lao động, ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động có quyền làm thêm ngoài giờ?