Thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 6: Thầy và trò vẫn lúng túng

28/10/2021 10:40

Sau gần 2 tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý các trường ở Hải Dương gặp nhiều khó khăn.


Học sinh lớp 6 và giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ với chương trình giáo dục phổ thông mới

Nhiều khó khăn

Thầy Vũ Tiến Công, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) cho biết học sinh lớp 6 chuyển từ cấp tiểu học lên THCS phải tiếp cận ngay với chương trình giáo dục mới. Kiến thức một số môn nặng hơn so với chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 như ngữ văn, lịch sử-địa lý...

"Em đang quen phương pháp học ở cấp tiểu học, được nghe thầy cô đọc và ghi vào vở nhưng nay phải tự mình lĩnh hội và ghi chép, lại thêm nhiều kiến thức mới nữa nên việc tiếp thu bài học khá khó khăn", em Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 6 Trường THCS Quang Minh chia sẻ.

Nhiều giáo viên dạy lớp 6 khẳng định bản thân khá bỡ ngỡ khi triển khai dạy chương trình này. Khó nhất là giáo viên chưa tìm hiểu được mối liên hệ của các phân môn trong các môn tích hợp. Thầy giáo Phạm Trung Nghĩa, dạy phân môn địa lý lớp 6 của Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) cho biết vì yêu cầu lồng ghép 2 môn địa lý và lịch sử thành một nên giáo viên lúng túng khi ra đề bài kiểm tra, chấm điểm, nhập điểm trên phần mềm... 

"Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, soạn bài giảng theo chương trình mới. Đặc biệt là khó kiểm tra đánh giá học sinh", thầy Nghĩa nói. 

Việc triển khai giảng dạy các môn học tích hợp lần đầu tiên thực hiện ở lớp 6 đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo liên môn. Nhưng hầu hết giáo viên được đào tạo đơn môn nên phần lớn các trường vẫn bố trí mỗi giáo viên dạy từng phân môn. Môn khoa học tự nhiên vẫn phải bố trí 3 giáo viên dạy và môn lịch sử - địa lý bố trí 2 giáo viên dạy... Ngoài ra, nhiều trường thiếu giáo viên nên lúng túng trong sắp xếp, bố trí thời khóa biểu.

Nhiều kiến thức ở phân môn học sinh đang học nhưng lại liên quan đến kiến thức ở phân môn học sinh chưa được học nên gây khó cho cả giáo viên và học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thành (Kim Thành) cho biết học sinh chưa được học về cách dùng nhiệt kế trong phân môn vật lý mà phân môn hóa học đã có bài thực hành đo nhiệt độ nóng chảy của các chất nên học sinh khó hình dung...


Nhiều trường còn thiếu trang thiết bị hỗ trợ dạy học Chương trình giáo dục phổ thông lớp 6 mới

Chủ động thích ứng

Theo thầy Công, Trường THCS Quang Minh đang thực hiện phương pháp dạy học theo hình "bậc thang" tăng dần độ khó; giao nhiệm vụ cụ thể ở lớp và ở nhà cho từng đối tượng học sinh; giáo viên chắt lọc kiến thức để giảm tải việc ghi chép cho học sinh.

Nhiều trường đang sắp xếp thời khóa biểu theo tuần thay vì theo mỗi kỳ học như trước đây khiến cả cán bộ quản lý và giáo viên vất vả hơn nhưng đành phải chấp nhận để phù hợp với logic kiến thức môn học và bảo đảm tính thống nhất. Đối với môn khoa học tự nhiên, có tuần, nhiều trường phải sắp xếp cho giáo viên dạy 2 tiết hóa học, 1 tiết sinh học nhưng tuần khác lại có 3 tiết sinh học, không có tiết hóa học. Do đó, giáo viên dạy phân môn có tuần vất vả nhưng có tuần nhàn rỗi.

Các giáo viên dạy cùng môn tích hợp cũng thường xuyên trao đổi, thảo luận, sau đó báo cáo lãnh đạo trường để sắp xếp thời khóa biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất của kiến thức. Ví dụ, tuần kế tiếp có phần học phân môn hóa học nhưng liên quan đến kiến thức vật lý thì giáo viên dạy hai phân môn trao đổi và báo cáo lãnh đạo trường để tuần này dạy trước phần kiến thức phân môn vật lý có liên quan đến phân môn hóa. 

Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường THCS cho biết giải pháp trước mắt là giáo viên phải tự thích ứng, tự tìm ra mối liên hệ giữa các phân môn. Sau đó phải trực tiếp dạy môn tích hợp, từ đó mới có những đề xuất sát thực tế. 

Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn liên trường để tháo gỡ những khó khăn trên. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường cho tất cả 21 trường THCS trong huyện. Nội dung chủ yếu bàn về khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông lớp 6; trao đổi kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện hiệu quả. 

Hầu hết các trường cũng chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo từng chuyên đề. Lãnh đạo nhà trường tích cực dự giờ, tổng hợp những khó khăn, sau đó cùng tổ chuyên môn, giáo viên bàn giải pháp tháo gỡ.

Trong tháng 11 tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tuyến toàn tỉnh dành cho giáo viên dạy lớp 6. Giáo viên sẽ cùng thảo luận, nêu khó khăn, đề xuất giải pháp, sở sẽ tổng hợp và có chỉ đạo sát với thực tế.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 6: Thầy và trò vẫn lúng túng