Các biện pháp phòng và diệt chuột

16/01/2019 09:41

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào sản xuất vụ chiêm xuân. Từ lúc đổ ải đến khi gieo cấy là thời điểm diệt chuột hiệu quả nhất.

Tùy thuộc vào điều kiện canh tác, nông dân có thể áp dụng các biện pháp phòng và diệt chuột như sau:

1. Biện pháp canh tác

- Sau khi thu hoạch cần dọn sạch tàn dư cây trồng, phát quang bờ, bụi cây, cỏ dại trên gò đống, lấp vít các lỗ hang để chuột không có nơi trú ngụ, sinh sản.

- Gieo cấy tập trung, đúng thời vụ để hạn chế nguồn thức ăn trên đồng ruộng và tạo thuận lợi để diệt chuột tập trung.

2. Biện pháp diệt chuột thủ công

- Đào hang, đổ nước, hun khói hoặc lấp chặt hang để diệt chuột. Đây là biện pháp đơn giản, có thể huy động được nhiều người tham gia, ít ảnh hưởng đến môi trường.

- Săn bắt, soi chuột vào ban đêm ở thời điểm đổ ải hoặc ngâm dầm. Biện pháp này có hiệu quả cao vì khi đưa nước vào ruộng, chuột thường tập trung, co cụm trên bờ, gò đống.

- Dùng các loại bẫy, cạm như bẫy sập hình bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy cò ke, bẫy dính, bẫy trà... Biện pháp này có thể áp dụng quanh năm, ít gây nguy hiểm cho người, vật nuôi, chi phí đầu tư thấp.

- Bẫy cây trồng: Cứ từ 15-20 ha bố trí một diện tích nhỏ gieo cấy các giống lúa chuột thích gây hại. Gieo sớm hơn lịch thời vụ từ 15-20 ngày để thu hút chuột. Quây nilon quanh ruộng, mỗi ruộng đặt từ 1-2 bẫy. Cách làm này đòi hỏi tính cộng đồng.

3. Biện pháp sinh học

- Lợi dụng thiên địch của chuột trong tự nhiên là mèo, rắn... để diệt chuột. Đây là biện pháp giúp cân bằng hệ sinh thái nên cần khuyến khích việc nhân nuôi và bảo vệ đàn mèo.

- Sử dụng thuốc vi sinh diệt chuột là bả diệt chuột sinh học Microca 109.

4. Biện pháp hóa học

- Về thuốc hóa học có 2 nhóm chính:

+ Nhóm thuốc độc cấp tính như Fokeba 20%, Zinphos 20%... Nhóm thuốc rất độc, đã bị cấm sử dụng.

+ Nhóm thuốc chết chậm như Cat 0.25WP, HiCate 0.25WP, Diof 5DP, Gimlet 800SP... Đây là nhóm thuốc diệt chuột thế hệ mới, khi sử dụng phải trộn thuốc với mồi mà chuột ưa thích là thóc, ngô ủ, ốc, cua, củ, quả... để tạo thành bả. Sau khi chuột ăn bả từ 2-6 ngày, chuột sẽ xuất huyết đường tiêu hóa và chết. Khi chết, chuột thường chui rúc vào hang.

* Lưu ý: Cho đến nay, biện pháp hóa học vẫn được sử dụng rộng rãi để làm giảm tức thì mật độ chuột gây hại vào các thời điểm quan trọng, nhất là đầu vụ. Tuy nhiên, thuốc hóa học rất độc với người, vật nuôi và các động vật có ích. Vì vậy, khi sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sau:

- Chỉ sử dụng những thuốc diệt chuột nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuyệt đối không dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục.

- Khi trộn thuốc, rải mồi phải dùng găng tay, khẩu trang và dụng cụ chuyên dụng.

- Không được ăn uống trong khi tiếp xúc với thuốc.

- Trước khi tổ chức diệt chuột bằng thuốc ở khu vực nào phải thông báo rộng rãi để mọi người biết, không chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực đó.

- Phải thường xuyên thu gom bao bì, chuột chết và bả thừa để đem tiêu hủy.

- Khi bị ngộ độc cần cấp cứu sơ bộ, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Mang theo vỏ bao bì để bác sĩ chẩn đoán, có các biện pháp xử lý kịp thời.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các biện pháp phòng và diệt chuột